Nghị quyết 159/NQ-HĐND năm 2021 về Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn ngân sách do tỉnh Quảng Trị quản lý năm 2022

Số hiệu 159/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2021
Ngày có hiệu lực 09/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Nguyễn Đăng Quang
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 159/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 09 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH DO TỈNH QUẢN LÝ NĂM 2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 40/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022;

Căn cứ Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 06/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vn ngân sách nhà nước năm 2022;

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;

Xét Báo cáo s230/BC-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và kế hoạch đầu tư công năm 2022; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Kế hoạch sử dụng nguồn vốn ngân sách do tỉnh quản lý năm 2022, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tổng vốn cân đối ngân sách địa phương kế hoạch 2022: 1.718.910 triệu đồng, bao gồm:

a) Nguồn vốn đầu tư trong cân đối theo tiêu chí:

b) Nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất:

c) Nguồn thu từ xổ số kiến thiết:

d) Đầu tư tư nguồn bội chi ngân sách địa phương:

396.110 triệu đồng,

1.130.000 triệu đồng,

40.000 triệu đồng,

152.800 triệu đồng.

(Chi tiết các công trình, dự án như Biểu số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 kèm theo)

2. Các giải pháp thực hiện:

a) Huy động tối đa các nguồn lực hiện có từ ngân sách địa phương; tranh thủ kịp thời các nguồn lực từ ngân sách Trung ương; đẩy mạnh xúc tiến, giới thiệu, quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế khác đầu tư trên địa bàn; đề ra các giải pháp phù hợp để huy động sự tham gia đóng góp của nhân dân góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2022 của địa phương.

b) Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành nhằm tạo chuyển biến tích cực hơn trong quá trình triển khai thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công. Nâng cao chất lượng quản lý dự án trong tất cả các khâu, từ khảo sát, thiết kế, thẩm định, giám sát chất lượng thi công. Nghiêm túc áp dụng công tác đấu thầu qua mạng theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ quy định nhằm tăng tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

c) Nghiêm cấm việc để xảy ra tình trạng phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; chỉ thực hiện khối lượng công việc trong phạm vi kế hoạch vốn đã phân bổ; không yêu cầu nhà thầu tự bỏ vốn thực hiện chuẩn bị đầu tư, thi công dự án khi chưa được bố trí vốn; chỉ tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu đã được bố trí vốn; thực hiện lập và điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo tiến độ chung của dự án và kế hoạch vốn được giao. Việc tạm ứng ngân sách để giải quyết nhu cầu cấp bách phải chỉ rõ lộ trình và nguồn vốn thu hồi.

d) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và chịu hoàn toàn trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh nếu không thực hiện và giải ngân hết số vốn bố trí hay bị cắt giảm, thu hồi. Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; Chịu trách nhiệm tự thu xếp nguồn vốn để thực hiện phần khối lượng tương ứng với phần vốn bị cắt giảm (nếu có).

e) Quyết liệt thực hiện việc điều chuyển vốn kế hoạch thuộc thẩm quyền của tỉnh đối với các dự án chưa giải ngân, dự án giải ngân không đạt kế hoạch, để bổ sung cho công trình, dự án có khối lượng nhưng thiếu vốn, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Năm 2022 Hội đồng nhân dân tỉnh có kế hoạch tổ chức 04 kỳ họp, dự kiến thời gian trong các tháng 4, tháng 7, tháng 10 và tháng 12. Đối với các nội dung điều chuyển vốn thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động rà soát trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét tại kỳ họp.

Trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 7 tháng 4 năm 2022 về bố trí nguồn vốn, khả năng cân đối vốn của dự án Vỉa hè đường Hùng Vương (đoạn từ đường Ngô Quyền đến đường Điện Biên Phủ) theo Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 21/04/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh để sớm triển khai thực hiện.

f) Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục liên quan đến công tác đầu tư. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát đầu tư. Tổ chức tốt công tác giám sát của cộng đồng đối với các hoạt động đầu tư và xây dựng theo đúng quy định. Chủ động vận động thu hút các nguồn lực để tăng nguồn vốn đầu tư công, bổ sung cân đối cho các nhu cầu đầu tư phát triển của tỉnh.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết.

[...]