Nghị quyết 156/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2022

Số hiệu 156/NQ-CP
Ngày ban hành 06/12/2022
Ngày có hiệu lực 06/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Bình Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 156/NQ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 11 NĂM 2022

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ, ý kiến các đại biểu dự họp và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2022, tổ chức vào ngày 01 tháng 12 năm 2022,

QUYẾT NGHỊ:

I. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; nhiệm vụ, giải pháp tháng cuối năm 2022

Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 11, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp hơn; các yếu tố rủi ro gia tăng cả về mức độ, phạm vi, tính chất trên quy mô toàn cầu. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi nhưng gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong các lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản. Trong tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời xây dựng và triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 và Nghị quyết Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV; thành lập 03 tổ công tác để tập trung xử lý các vấn đề quan trọng, cấp bách, mới phát sinh trong lĩnh vực ngân hàng, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2021. Mặt bằng lãi suất, tỷ giá được điều hành phù hợp. Thu ngân sách nhà nước 11 tháng ước đạt 116,1% dự toán, tăng 17,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng đạt 673,8 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 10,6 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 19,7 tỷ USD, tăng 15,1%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng 8,6% so với cùng kỳ. Nông nghiệp phát triển ổn định; an ninh lương thực được bảo đảm. Thương mại, dịch vụ tăng trưởng tích cực; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 20,5% so với cùng kỳ, khách quốc tế 11 tháng đạt gần 3 triệu lượt, tăng gấp 21 lần cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đạt gần 195 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về kết quả và triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh tiếp tục được chú trọng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống người dân được quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách hành chính được đẩy mạnh, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường, tiếp tục khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Công tác nắm tình hình, phân tích, dự báo và phản ứng chính sách trong một số lĩnh vực chưa kịp thời. Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có xu hướng tăng chậm lại. Sức ép lạm phát còn cao, nhất là do các tác động từ bên ngoài. Các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng; triển khai hỗ trợ lãi suất 2% chậm. Xuất hiện tình trạng doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, địa bàn phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đối mặt nhiều rủi ro, thách thức lớn, cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội; xung đột Nga - U-crai-na kéo dài; tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm mạnh và có dấu hiệu suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia. Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi; nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn; một số thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp; hoạt động sản xuất, kinh doanh có khả năng bị thu hẹp; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; theo dõi sát, nắm chắc tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kỷ luật, kỷ cương hành chính; chủ động, tích cực giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của năm 2022; trong đó, tập trung vào những nội dung sau:

1. Các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao:

a) Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ. Đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các bộ, cơ quan trong xử lý công việc. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo, làm việc trực tiếp với Lãnh đạo Chính phủ để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết dứt điểm các công việc cấp bách theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ.

b) Theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác lớn về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách quan trọng khác để phân tích, dự báo, kịp thời, chủ động chỉ đạo, điều hành hoặc đề xuất các giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh, nhất là trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và bình ổn giá. Chủ động đề xuất, sớm xây dựng các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thực hiện giá thị trường, trong đó cần đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá.

c) Tập trung giải ngân cao nhất kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 được giao; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các vi phạm, hành vi cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục về đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy nhanh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia

d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu hoàn thành cao nhất tiến độ được giao trong năm 2022 bảo đảm hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hoàn thành trước ngày 15 tháng 12 năm 2022.

đ) Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phối hợp chặt chẽ để có phương án xử lý phù hợp, kịp thời khi có những diễn biến phức tạp liên quan đến vấn đề giải quyết tiền gửi và trái phiếu doanh nghiệp... không để tác động đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

e) Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 để giữ ổn định thị trường, giá cả.

g) Tập trung chỉ đạo, khẩn trương tổ chức triển khai có kết quả Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 và Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

h) Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động chăm lo, thăm hỏi các gia đình chính sách, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18 tháng 11 năm 2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

i) Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tăng cường kiểm tra, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng trong việc thực hiện Kế hoạch về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, trong đó, tập trung các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hàng hóa giả nhãn hiệu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm...; các loại hàng cấm như: ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn lậu, hàng giả, đầu cơ, tích trữ, găm hàng.

k) Các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung báo cáo, tài liệu được phân công bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 12 năm 2022 và Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội.

l) Các bộ, cơ quan phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

m) Các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai việc cung cấp, tích hợp các dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ này.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ