Nghị quyết 12/2020/NQ-HĐND về phê chuẩn Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 12/2020/NQ-HĐND
Ngày ban hành 14/12/2020
Ngày có hiệu lực 01/01/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hoàng Văn Nghiệm
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2020/NQ-HĐND

Lạng Sơn, ngày 14 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ CHUẨN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Xét Tờ trình số 141/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê chuẩn Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê chuẩn Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, kết hợp xây dựng mới đồng bộ mạng lưới giao thông nông thôn (sau đây viết tắt là GTNT) của tỉnh đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển phục vụ có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thu hẹp khoảng cách nâng cao đời sống của đồng bào vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Đến hết năm 2025 đạt 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, 80% số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa; nâng tỷ lệ cứng hóa 04 loại đường GTNT đạt tối thiểu 60%. Trong đó ưu tiên hoàn thành tiêu chí số 02 về giao thông của 115 xã trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn 2021-2025 cứng hóa thêm được 1.750km mặt đường GTNT các loại (tương ứng mỗi năm cứng hóa được 350km), nâng tổng số mặt đường GTNT được cứng hóa đến hết năm 2025 đạt 6.705km/11.011km (đạt tỷ lệ 60,89%). Đến hết năm 2025, tổng số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 1.308 thôn /1.635 thôn (đạt tỷ lệ 80%), cụ thể như sau:

- Đường trục xã: giai đoạn 2021-2025 cứng hoá thêm được 425km, nâng tổng chiều dài đường trục xã được cứng hóa đến hết năm 2025 là 1.758km/2.699km (đạt tỷ lệ 65%).

- Hệ thống đường trục thôn: giai đoạn 2021-2025 cứng hóa thêm được 575km, nâng tổng chiều dài đường trục thôn được cứng hóa đến hết năm 2025 là 1.965km/3.300km (đạt tỷ lệ 60%).

- Hệ thống đường ngõ xóm: giai đoạn 2021-2025 cứng hóa thêm được 675km, nâng tổng chiều dài đường ngõ xóm được cứng hóa đến hết năm 2025 là 2.807km/4.666km (đạt tỷ lệ 60%).

- Hệ thống đường trục chính nội đồng: giai đoạn 2021-2025 cứng hóa thêm được 75km, nâng tổng chiều dài đường trục chính nội đồng được cứng hóa đến hết năm 2025 là 174km/346km (đạt tỷ lệ 50%).

3. Nguyên tắc

- Việc quản lý, đầu tư phát triển mạng lưới GTNT do cấp xã chủ động, chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trường hợp cấp xã không đủ năng lực thực hiện Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Ban Quản lý dự án huyện thực hiện hoặc hướng dẫn, tăng cường cán bộ chuyên môn giúp cấp xã thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên phải đảm bảo điều kiện không được tính các chi phí tư vấn, quản lý dự án để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn huy động.

- Phát triển đường GTNT với phương châm “dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, trong đó Nhà nước hỗ trợ các loại vật tư, vật liệu chủ yếu gồm xi măng, cát, đá hoặc sỏi đổ bê tông (đối với mặt đường bê tông xi măng); đối với các tuyến gia cố nền đường bằng tro bay, tro xỉ, phụ gia, mặt đường đá dăm láng nhựa, sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật liệu chính, hỗ trợ chi phí máy, hỗ trợ thi công; hỗ trợ chi phí quản lý, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật, thanh quyết toán công trình...

- Đối tượng hỗ trợ: hệ thống đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới, bao gồm: (1) đường trục xã; (2) đường trục thôn; (3) đường ngõ xóm; (4) đường trục chính nội đồng trong giai đoạn từ 2021 đến hết 2025. Phần mặt đường các tuyến đường trục xã, trục thôn, đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng. Các hạng mục khác như: nền đường, cầu, ngầm, rãnh thoát nước không tính hỗ trợ đầu tư trong Đề án này.

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ đối với đường trục xã; ngân sách huyện hỗ trợ đối với đường trục thôn, đường ngõ xóm, đường nội đồng.

- Các công trình do cấp xã, thôn tổ chức huy động cộng đồng dân cư, nhóm thợ, đơn vị thi công để tổ chức thực hiện, có sự kiểm soát của Nhà nước về kỹ thuật, vật tư, vật liệu.

[...]