Nghị quyết 12/2016/NQ-HĐND về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 12/2016/NQ-HĐND
Ngày ban hành 07/07/2016
Ngày có hiệu lực 20/07/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Đỗ Xuân Tuyên
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2016/NQ-HĐND

Hưng Yên, ngày 07 tháng 7 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHOÁ XVI - KỲ HỌP THỨ NHẤT

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Sau khi xem xét Tờ trình số 68/TTr-UBND ngày 27/6/2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành nội dung đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, mục tiêu, định hướng phát triển giai đoạn 2016 - 2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan hữu quan, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

I. Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

1. Kết quả chủ yếu.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phải chịu sự tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới; lạm phát tăng cao, kinh tế vĩ mô không ổn định, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; Chính phủ thắt chặt chi tiêu, cắt giảm đầu tư công, tập trung ưu tiên kiềm chế và kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) hàng năm đạt mức tăng trưởng khá, bình quân 5 năm đạt 7,85%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng 48,98%; nông nghiệp 13,54%; thương mại - dịch vụ 37,47%. Năm 2015, GDP bình quân đầu người 40,4 triệu đồng/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD, tăng gấp 2,5 lần mục tiêu Đại hội. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 đạt 7.864 tỷ đồng (mục tiêu đến năm 2015 đạt 6.000 tỷ đồng), trong đó thu nội địa 5.346 tỷ đồng.

Sản xuất nông nghiệp, thủy sản phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa (tăng trưởng bình quân đạt 2,2%/năm). Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị thu được trên 01 ha canh tác trên 150 triệu đồng. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Đến hết năm 2015, bình quân toàn tỉnh đạt 14,7 tiêu chí/xã, 35 xã (chiếm 24,2% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt 15-18 tiêu chí, 78 xã đạt 10-14 tiêu chí, không có xã dưới 10 tiêu chí.

Sản xuất công nghiệp được phục hồi và tăng trưởng khá, bình quân 9,65%; cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực. Tiểu thủ công nghiệp được duy trì, 59 làng nghề đang hoạt động hiệu quả. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,3%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bình quân tăng 15,19%/năm. Đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách, hoạt động tín dụng ổn định, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển đạt kết quả khá. Thu ngân sách tăng bình quân 17%/năm. Chi ngân sách hàng năm bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và đúng quy định.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đến hết năm 2015, thu hút được 1.277 dự án với tổng vốn đăng ký tương đương 7,1 tỷ USD, trong đó có 810 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 12 vạn lao động. Hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện và đô thị được đầu tư, phát triển nhanh, nhất là các tuyến đường trọng điểm, đường giao thông nông thôn. Hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch chung xây dựng vùng tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 32%; thành phố Hưng Yên cơ bản đạt đô thị loại II, huyện Mỹ Hào được công nhận là đô thị loại IV và đang trình đề nghị công nhận là thị xã; có 15 xã và thị trấn đạt đô thị loại V.

Quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ và có nhiều chuyển biến tích cực. Đẩy mạnh công tác xử lý đất dôi dư trong khu dân cư, phục vụ có hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới. Công tác quản lý bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường được quan tâm.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 263 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 105 trường so với năm 2010). Giáo viên đạt chuẩn ở tất cả các cấp học; tỷ lệ trên chuẩn cao ở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Là tỉnh thứ 06 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, hoàn thành việc chuyển đổi 159/159 trường mầm non bán công sang công lập; là tỉnh thứ 07 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Học sinh tốt nghiệp các cấp đạt tỷ lệ cao; tỷ lệ thi đỗ đại học đạt 51%, thuộc nhóm các tỉnh có tỷ lệ cao trong cả nước.

Khoa học và công nghệ gắn với thực tiễn, thiết thực, hiệu quả. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế trên 60% (theo chuẩn mới); tỷ lệ xã có bác sỹ biên chế tại trạm đạt 65%; tuổi thọ trung bình 74 tuổi; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, sản phụ đều ở mức thấp so với toàn quốc; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên duy trì ở mức dưới 1%. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển; tăng cường đầu tư thiết chế văn hóa, hạ tầng kỹ thuật, truyền thông. Chính sách xã hội được quan tâm, chăm lo, thực hiện đầy đủ và kịp thời. Bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 02 vạn lao động; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt gần 24%, bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 20%; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,69% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (tương ứng 6,81% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020).

Công tác đảm bảo quốc phòng, quân sự, an ninh địa phương được chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong thực thi nhiệm vụ. Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với các đối tượng. Công tác thanh tra, xử lý vi phạm được tăng cường. Công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức có nhiều chuyển biến tích cực.

2. Hạn chế, yếu kém.

Kinh tế tăng trưởng khá nhưng thiếu bền vững; một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra. Sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp, khả năng thích ứng với những biến đổi bất lợi cho sản xuất kinh doanh chưa cao. Một số dự án trọng điểm không đạt tiến độ, chậm phát huy hiệu quả; năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải công cộng chưa đáp ứng kịp với sự phát triển và gia tăng phương tiện. Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhân dân; việc sinh con thứ 3 và tỷ lệ mất cân bằng giới tính còn ở mức cao. Tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông ở các huyện, thành phố vẫn ở mức cao; còn hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực gây bức xúc cho doanh nghiệp và người dân; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí kết quả chưa cao.

II. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

1. Mục tiêu tổng quát.

Tiếp tục ổn định kinh tế, kiểm soát giá cả, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiện đại, thân thiện với môi trường; huy động mọi nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, nhất là xây dựng giao thông. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu.

2.1. Tăng trưởng bình quân năm: GRDP tăng từ 7,5 - 8%; giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản tăng từ 2,5 - 3%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 9 - 10%, thương mại - dịch vụ tăng 8,5 - 9,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 16%; duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%.

2.2. Đến năm 2020: Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 55% - dịch vụ 37% - nông nghiệp 8%; giá trị thu được bình quân 210 triệu đồng/ha; 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 13.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 9.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 05 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người 75 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 40,5%; tỷ lệ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt trên 90%; 90% số cơ quan, đơn vị, gia đình và 87% số làng, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; thành phố Hưng Yên đạt đô thị loại II, thị xã Mỹ Hào đạt đô thị loại III, huyện Văn Giang (thị trấn Văn Giang mở rộng), thị trấn Như Quỳnh, thị trấn Yên Mỹ mở rộng và khu Bô Thời - Dân Tiến đạt đô thị loại IV.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

3.1. Tập trung thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới cơ chế, chính sách tạo sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Có cơ chế, chính sách tạo vốn, huy động các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp; đặc biệt ưu tiên phát triển các khu, cụm công nghiệp lớn để thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, công nghiệp sạch... có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tăng thu ngân sách, tập trung ở các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Giang và Ân Thi (dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng).

[...]