Nghị quyết 118/2014/NQ-HĐND Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 118/2014/NQ-HĐND
Ngày ban hành 18/07/2014
Ngày có hiệu lực 28/07/2014
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Niê Thuật
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/2014/NQ-HĐND

Buôn Ma Thuột, ngày 18 tháng 07 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH ĐẮK LẮK ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu;

Xét Tờ trình số 56/TTr-UBND ngày 13/6/2014 của UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị ban hành Nghị quyết về rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 47/BC-HĐND ngày 11/7/2014 của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Nghị quyết về Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm và mục tiêu phát triển quy hoạch giao thông vận tải:

1. Những quan điểm:

- Giao thông vận tải là bộ phận rất quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, phải được ưu tiên đầu tư trước một bước với tốc độ nhanh, làm tiền đề, động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển.

- Sử dụng tối đa năng lực cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, coi trọng công tác bảo trì, nâng cấp các công trình hiện có. Các công trình làm mới phải được xem xét, lựa chọn với mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xóa đói giảm nghèo.

- Phát huy tối đa lợi thế về địa lý, tiềm năng thiên nhiên sẵn có để phát triển hệ thống giao thông vận tải nhất là đường bộ; phải gắn với phát triển các vùng kinh tế, các khu công nghiệp, đồng thời gắn kết mạng giao thông khu vực Tây Nguyên, với cả nước và khu Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

- Phát triển hệ thống giao thông vận tải một cách thống nhất, cân đối, đồng bộ, đảm bảo mọi phương tiện giao thông đi lại thuận tiện quanh năm, không bị gián đoạn bởi mưa bão, lũ lụt.

- Nguồn vốn đầu tư cho giao thông rất lớn nên cần đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, các hình thức đầu tư, tranh thủ tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài dưới các hình thức như ODA, FDI, BOT,...đồng thời huy động mọi nguồn nội lực từ nhân dân, các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác trên địa bàn tỉnh tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trên cơ sở Quy chế dân chủ “Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra”.

- Những công trình cải tạo, nâng cấp cần đảm bảo quy trình, quy phạm mang tính hiện đại và hòa nhập với cộng đồng thế giới.

2. Mục tiêu:

- Giao thông đường bộ: Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo tính kế thừa, khả thi, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vận tải ở từng thời kỳ, trên khắp địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh. Từ nay đến năm 2020 tiếp tục củng cố, khôi phục, nâng cấp các công trình giao thông đường bộ hiện có, hoàn chỉnh mạng lưới, xây dựng một số công trình có yêu cầu cấp thiết, đảm bảo mật độ mạng lưới đường trên 1,0 km/km2. Phấn đấu đến năm 2020 nhựa hóa hoặc bê tông hóa toàn bộ tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị; cứng hóa tối thiểu 70% số km đường xã, tối thiểu 50% số km đường thôn, buôn. Định hướng đến năm 2030 phấn đấu mật độ mạng lưới đường trên 1,3 km/km2; nâng cấp hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị; cứng hóa 100% số km đường xã, 75% số km đường thôn, buôn.

- Đường thủy: Phát triển các tuyến vận tải hàng hóa, tuyến vận tải hành khách trên một số đoạn sông có thể khai thác vận tải của tỉnh và các tuyến du lịch lòng hồ. Xây dựng các bến khách, bến hàng hóa và bến du lịch lòng hồ trên các tuyến vận tải. Phát triển và xây dựng các đội tàu vận tải hàng hóa và hành khách trên sông, đội tàu du lịch lòng hồ.

- Đường hàng không: Triển khai thực hiện theo Quy hoạch tổng thể cảng hàng không Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn đến 2015 và định hướng đến 2025.

- Đường sắt: Triển khai những quy hoạch đường sắt đã được duyệt, chuẩn bị cho các dự án đã và đang nghiên cứu trên địa bàn tỉnh cũng như trong khu vực.

- Về vận tải: Quy hoạch số lượng phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa, số lượng ghế trên tổng số phương tiện, số tấn phương tiện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đổi mới nâng cấp chất lượng phương tiện vận tải, tăng năng suất, giảm giá thành vận tải nhằm thỏa mãn nhu cầu vận tải của tỉnh.

- Về cơ chế chính sách: Có các cơ chế, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển giao thông vận tải, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như bảo vệ cơ sở hạ tầng.

II. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030:

1. Quy hoạch phát triển vận tải:

1.1. Tổ chức vận chuyển trên một số hành lang chủ yếu:

[...]