Nghị quyết 114/NQ-HĐND năm 2023 điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020
Số hiệu | 114/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 14/11/2023 |
Ngày có hiệu lực | 14/11/2023 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Ninh Bình |
Người ký | Mai Xuân Minh |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 114/NQ-HĐND |
Ninh Bình, ngày 14 tháng 11 năm 2023 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2013-2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 16
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị Quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gõ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030;
Căn cứ Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 61/2022/Q14H15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030;
Căn cứ Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022;
Căn cứ Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Xét Tờ trình số 189/TTr-UBND ngày 07 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020 với các nội dung chính như sau:
1. Điều chỉnh diện tích Quy hoạch bảo vệ phát triển rừng
a) Điều chỉnh đưa ra ngoài Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020 với tổng diện tích 65,62 ha, trong đó đất rừng đặc dụng 1,0 ha, đất rừng phòng hộ 16,45 ha và đất rừng sản xuất 48,17 ha để thực hiện 08 dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng, cụ thể:
- Xây dựng tuyến đường Bái Đính (Ninh Bình) - Ba Sao (Hà Nam) đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông là chủ đầu tư) có ảnh hưởng đến đất rừng là 1,5 ha, trong đó đất rừng đặc dụng 1,0 ha và 0,5 ha đất rừng sản xuất.
- Dự án Xây dựng Đài hóa thân An Lạc - Ninh Bình (Công ty trách nhiệm hữu hạn kính nổi Hạ Long - CFG là chủ đầu tư) có ảnh hưởng đến đất rừng sản xuất 4,74 ha.
- Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý Phế thải cao su và Plastic - (Công ty trách nhiệm hữu hạn kính nổi Hạ Long - CFG là chủ đầu tư) ảnh hưởng đến đất rừng sản xuất 27,45 ha.
- Dự án Mở rộng khuôn viên chùa Mơ - Ban kiến thiết xây dựng chùa Mơ xã Gia Sơn có ảnh hưởng đến 1,36 ha đất rừng sản xuất.
- Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I) (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông là chủ đầu tư) có ảnh hưởng đến đất rừng sản xuất là 6,91 ha, trong đó trên địa bàn huyện Nho Quan 5,96 ha và thành phố Tam Điệp 0,95 ha.
- Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn II) (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông là chủ đầu tư) có ảnh hưởng đến đất rừng 6,62 ha, trong đó đất rừng phòng hộ 5,83 ha (trên địa bàn thành phố Tam Điệp 5,19 ha, huyện Yên Mô 0,64 ha) và đất rừng sản xuất 0,79 ha trên địa bàn thành phố Tam Điệp.
- Dự án Khai thác mỏ đất, đá phía đông đồi Thống Nhất (thuộc đồi Giàng) xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp (Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là chủ đầu tư) có ảnh hưởng đến đất rừng sản xuất 6,42 ha.
- Dự án đê biển Bình Minh 4 giai đoạn 2, huyện Kim Sơn có ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ 10,62 ha.
b) Điều chỉnh tăng diện tích đất rừng đặc dụng 128 ha: Tăng 415,37 ha tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được bổ sung để đảm bảo chỉ tiêu diện tích đất rừng đặc dụng theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; giảm 204,14 ha tại Khu rừng Văn hóa - Lịch sử - Môi trường Hoa Lư được cắt bỏ những phần diện tích của an ninh, quốc phòng và theo hiện trạng thực tế; giảm 82,48 ha tại Vườn Quốc gia Cúc Phương theo Quyết định số 186/QĐ-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tổng diện tích giao cho Vườn quốc gia Cúc Phương, xã Cúc Phương và xã Văn Phương, huyện Nho Quan tổng diện tích giao là 112.675.207 m2 (11.267,52 ha); giảm 0,75 ha tại xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình do rà soát, đo đạc diện tích ngoài thực tế.
c) Điều chỉnh tăng diện tích đất rừng phòng hộ 244,53 ha tại huyện Kim Sơn do bổ sung diện tích để đảm bảo diện tích cho quy hoạch rừng phòng hộ theo Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng Khu vực từ đê Bình Minh II đến cồn Nổi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đến năm 2040.