Nghị quyết 139/NQ-CP năm 2023 về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh do Chính phủ ban hành

Số hiệu 139/NQ-CP
Ngày ban hành 31/08/2023
Ngày có hiệu lực 31/08/2023
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Đầu tư,Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139/NQ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG CÔNG TÁC CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG SANG MỤC ĐÍCH KHÁC ĐỂ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN CẤP THIẾT PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG, AN NINH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về việc bổ sung các quy hoạch tại Phụ lục danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch ban hành kèm theo Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2023 trực tuyến với địa phương;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Trên cơ sở kết quả biểu quyết của các thành viên Chính phủ.

QUYẾT NGHỊ:

Theo quy định tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 2019 được tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung trong trường hợp cần thiết cho đến khi quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.

Trước khi Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 01 năm 2019), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó quy định về việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008) về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện các Nghị định nêu trên.

Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một số giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh được thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng để hợp thức hóa sai phạm, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cụ thể như sau:

1. Đối với các địa phương chưa có quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng hoặc quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh được tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành cho đến khi quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, đảm bảo đúng theo quy định tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội. Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh được lập, phê duyệt theo quy định về trình tự, thủ tục của văn bản quy phạm pháp luật nào thì khi điều chỉnh nội dung và kéo dài thời kỳ áp dụng trình tự, thủ tục điều chỉnh quy định tại văn bản quy phạm pháp luật đó hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung được cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

2. Trách nhiệm thực hiện

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Triển khai việc điều chỉnh nội dung và kéo dài thời kỳ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng hoặc quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh theo quy định tại mục 1 Nghị quyết này, đồng thời phải đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được phân bổ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng có hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Kiểm tra việc điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định tại mục 1 Nghị quyết này.

- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, đảm bảo quản lý chặt chẽ, bảo vệ, phát triển và sử dụng có hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đi đối với tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và có các công cụ kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, được thực hiện cho đến khi quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (3).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Lưu Quang

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ