Nghị quyết số 11/2000/NQ-CP về một số giải pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2000 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 11/2000/NQ-CP
Ngày ban hành 31/07/2000
Ngày có hiệu lực 15/08/2000
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/2000/NQ-CP

Hà Nội , ngày 31 tháng 7 năm 2000

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 11/2000/NQ-CP NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 2000 VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐIỀU HÀNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2000

Trong 3 ngày từ 12 đến 14 tháng 7 năm 2000, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 và tháng 7 năm 2000 để bàn một số chủ trương, biện pháp cần tập trung điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2000.

Để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm cao hơn 6 tháng đầu năm 2000, bên cạnh các giải pháp đã có, từ nay đến cuối năm 2000, Chính phủ quyết định tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp sau đây:

I. CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY SẢN XUẤT

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại và Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP, ngày 15 tháng 6 năm 2000 của Chính phủ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và tiêu thụ hàng hoá nông sản, đặc biệt quan tâm chỉ đạo tốt việc xuất khẩu gạo. Tiếp tục mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo xuất khẩu theo kế hoạch trước đây và mua tạm trữ thêm 40 vạn tấn gạo, toàn bộ số gạo này được bù lãi suất đến hết tháng 10 năm 2000.

Các ngành, các địa phương khẩn trương thực hiện công tác kiểm tra đê, kè cống, tu bổ, xử lý các vị trí xung yếu; có phương án cụ thể phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn đê kè, an toàn dân cư và sản xuất; có kế hoạch di dời dân vùng xung yếu thường có thiên tai nặng nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi có sự cố xảy ra.

Tập trung sức chỉ đạo chống lũ lụt xảy ra sớm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trợ giúp những vùng gặp khó khăn. Trong 6 tháng cuối năm 2000, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Thuỷ sản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp theo hướng tận dụng các lợi thế so sánh và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

2. Bộ Thương mại có biện pháp và hướng dẫn các Bộ, ngành và doanh nghiệp tìm thêm thị trường mới cho xuất khẩu lương thực, kể cả xuất khẩu theo phương thức trả chậm; mở rộng thị trường xuất khẩu thuỷ, hải sản, các sản phẩm dệt may, hàng thủ công, mỹ nghệ và các loại hàng tiêu dùng khác sang thị trường EU, Trung Đông, Bắc Phi và Cu Ba theo các cam kết của Chính phủ; tích cực chuẩn bị các điều kiện, phương án khai thác thị trường Mỹ.

3. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Thương mại chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao và đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài thăm dò, tìm kiếm thị trường, cung cấp thông tin nhanh nhạy, kịp thời về thương nhân và nhu cầu thị trường sở tại, phục vụ tốt hơn hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại bám sát thị trường khu vực nông thôn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục cho nông dân vay vốn để đầu tư nuôi trồng thuỷ, hải sản (đặc biệt là nuôi tôm xuất khẩu), chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế trang trại, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi gặp thiên tai gây thiệt hại lớn, có biện pháp khoanh nợ để cho vay tiếp.

5. Bộ Công nghiệp chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan đánh giá việc thực hiện chương trình hỗ trợ cơ khí trong thời gian qua, đề xuất các giải pháp về tổ chức, cơ chế thực hiện nguồn vốn để đẩy mạnh sản xuất cơ khí trong thời gian tới. Cho các doanh nghiệp cơ khí được vay tín dụng từ quỹ hỗ trợ phát triển với lãi suất ưu đãi 3,5% (bằng 50% lãi suất tín dụng Nhà nước), thời gian vay là 12 năm, 2 năm đầu không phải trả lãi và bắt đầu trả nợ từ năm thứ 5. Giao Bộ Công nghiệp chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quỹ hỗ trợ phát triển công bố danh mục các sản phẩm cơ khí được hưởng ưu đãi theo quy định này.

Các Bộ, ngành và các địa phương xem xét, lựa chọn các sản phẩm có lợi thế, có điều kiện phát triển như xi măng, sắt thép, các loại vật liệu xây dựng, giày dép, hàng may mặc, máy động lực nhỏ, cơ khí tiêu dùng, điện tử dân dụng,...; nhanh chóng đề xuất các giải pháp hỗ trợ để mở rộng sản xuất. Tìm biện pháp đẩy mạnh khai thác dầu khí nhằm đạt sản lượng khai thác như dự kiến kế hoạch đầu năm.

6. Tổng cục Hải quan chủ trì cùng Bộ Thương mại, Bộ Công an, các ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các giải pháp để đẩy mạnh chống buôn lậu và gian lận thương mại có kết quả, tập trung vào công tác giám định chất lượng hàng hoá nhập khẩu; phân định rõ trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát các cửa khẩu trên đất liền và ngoài biển. Trong quý III năm 2000, Tổng cục Hải quan trình Thủ tướng Chính phủ xém xét các giải pháp nêu trên.

7. Trong tháng 8 năm 2000 các Bộ: Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Công an, Văn hoá - Thông tin, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục ngành, nghề cụ thể cấm kinh doanh; các Bộ: Tư pháp, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quy chế về cấp chứng chỉ hành nghề để triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp.

Trước ngày 01 thánh 10 năm 2000, các Bộ, ngành công bố danh mục các ngành, nghề kinh doanh phải có điều kiện do Luật, Pháp lệnh và Nghị định quy định và các điều kiện kinh doanh tương ứng đối với các ngành nghề đó; đồng thời, công bố các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, điều kiện, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, thời hạn, hiệu lực và lệ phí đối với từng loại giấy phép.

Trong quý III năm 2000, Thanh tra Nhà nước chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh tra chuyên ngành cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp và thường xuyên kiểm tra sau đăng ký kinh doanh theo hướng đảm bảo giám sát được việc thực hiện các điều kiện kinh doanh nhưng không gây phiền hà cho doanh nghiệp.

8. Những Bộ, ngành và địa phương chưa xây dựng xong đề án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, cần khẩn trương chỉ đạo hoàn thành phương án sắp xếp để trình Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh công tác cổ phần hoá và các hình thức giao, bán, khoán, cho thuê đối với doanh nghiệp Nhà nước có quy mô nhỏ và kinh doanh thua lỗ.

9. Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế bán trả góp về nhà ở để trình Thủ tướng Chính phủ.

10. Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam tập trung sức nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và khắc phục việc chậm trễ, bỏ chuyến bay.

II. CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH TIẾN ĐỘ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

1. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng triển khai phân bổ số vốn bổ sung theo Quyết định số 568/QĐ-TTg, ngày 23 tháng 6 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 77 BKH/TH, ngày 30 tháng 6 năm 2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và gửi kế hoạch phân bổ về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi làm căn cứ cấp phát.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện hết vốn đầu tư phát triển (vốn theo kế hoạch đầu năm và vốn bổ sung). Trường hợp xét thấy không thực hiện hết nguồn vốn đầu tư được giao, phải kiến nghị việc điều chuyển vốn cho công trình khác, không để chuyển sang năm 2001. Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định việc điều chuyển vốn theo đề nghị của các Bộ, ngành và địa phương.

2. Tập trung chỉ đạo, điều hành, bố trí đủ vốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng để hoàn thành ngay trong năm 2000 và đầu năm 2001 một số dự án quan trọng: quốc lộ 1 (đoạn Hà Nội - Vinh, thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Hà Nội - Lạng Sơn), nhà ga T1 sân bay Nội Bài, sân bay Đà Nẵng, cảng Hải Phòng (giai đoạn 1), cảng Sài Gòn, đường ống - kho - cảng LPG (thuộc hệ thống khí Bạch Hổ), dự án khôi phục hệ thống thuỷ lợi và chống lũ (hệ thống sông Chu, Bắc Nghệ An, đê Hà Nội), dự án khôi phục hệ thống thuỷ lợi đồng bằng Sông Hồng (ADB2), dự án A Zun hạ, đê biển đồng bằng sông Cửu Long, hồ Sông Tiệm, hồ Truồi, hồ An Mã, hồ Cam Ranh, hồ Cà Giây, hồ Việt An, nâng cấp hồ Phú Ninh (giai đoạn 1), các công trình thoát lũ và ngăn mặn vùng tứ giác Long Xuyên (kênh Lung Lớn 2, kênh cầu số 9, T3-Ba Hòn, hệ thống thuỷ lợi ven biển Tây), nhà máy thuỷ điện Ya Ly (tổ máy số 2), nhà máy thuỷ điện Hàm Thuận - Đa Mi, nhà máy xi măng Nghi Sơn, xi măng Hoàng Mai, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, Đại học Quốc gia Hà Nội (giai đoạn 1), Học viện Quốc phòng, đề án đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật tại các cơ sở đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước,v.v...

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để khởi công hoặc chuẩn bị khởi công một số dự án quan trọng trong năm 2000 và đầu năm 2001: đường hầm qua đèo Hải Vân, cầu Cần Thơ, cầu Thanh Trì, cầu Bãi Cháy, cầu Bính, công trình Rào Quán, Tả Trạch, hồ Định Bình, cống đập Ba Lai, Thảo Long, Cửa Đạt, thuỷ lợi đồng bằng sông Cửu Long (WB2), cải tạo nhà máy xi măng Bỉm Sơn, nhà máy xi măng Hải Phòng (mới), khu liên hợp thể thao Quốc gia, trung tâm sản xuất chương trình truyền hình, Trung tâm thu phát truyền hình qua vệ tinh, hệ thống giống nông nghiệp, nhà máy điện Cần Đơn, nhà máy điện Na Dương, khí Nam Côn Sơn...

3. Bộ Tài chính và các địa phương thực hiện tạm ứng từ 60% - 70% khối lượng vốn xây lắp còn lại của kế hoạch năm 2000 cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước (kể cả vốn của các chương trình quốc gia); khi đã có khối lượng thực hiện, chủ đầu tư phải tổ chức nghiệm thu ngay và làm thủ tục để thanh toán; khi nhận được phiếu giá của chủ dự án, cơ quan giải quyết vốn làm ngay thủ tục thanh toán, nếu có vướng mắc thì tạm cấp 70 - 80% khối lượng đã thực hiện trong kế hoạch, sau khi xử lý xong vướng mắc thì thanh toán tiếp khối lượng còn lại.

4. Trong quý III năm 2000, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính tìm thêm nguồn để bổ sung vốn đầu tư cho một số công trình quan trọng, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư một số công trình lớn của các năm sau.

[...]