Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 106/2017/NQ-HĐND điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 106/2017/NQ-HĐND
Ngày ban hành 21/07/2017
Ngày có hiệu lực 01/08/2017
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Đỗ Xuân Tuyên
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/2017/NQ-HĐND

Hưng Yên, ngày 21 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 2111/QĐ-TTg ngày 28/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT ngày 17/01/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh;

Xét Tờ trình số 62/TTr-UBND ngày 30/6/2017 của UBND tỉnh về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 với nội dung chính như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vận tải để tạo tiền đề, động lực thực hiện các chương trình mục tiêu cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, toàn diện, từng bước hiện đại và bền vững, bảo đảm được sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải; gắn kết giữa các địa phương, giữa đô thị và nông thôn, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội gắn kết với tiềm năng phát triển du lịch, bảo vệ sinh thái của địa phương.

- Huy động mọi nguồn lực để từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ và đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tốc độ xây dựng tuyến đường trọng yếu theo quy hoạch được duyệt; coi trọng công tác quản lý, bảo trì để sử dụng các công trình hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông.

- Nâng cao chất lượng vận tải với chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, vận tải đa phương thức và logistics.

- Phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế, từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; dành quỹ đất hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả để phát triển, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo hành lang an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, cảnh quan.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu chung:

Huy động tối đa các nguồn lực, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển GTVT; tập trung đầu tư đồng bộ các công trình trọng điểm có vai trò động lực phát triển kinh tế; ưu tiên đầu tư các công trình tăng tính kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực, phát huy tối đa lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển bền vững các lĩnh vực; chú trọng phát triển giao thông liên huyện, liên xã và giao thông đô thị, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, thông suốt, hiệu quả cao; tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giao thông nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới. Phát triển vận tải an toàn, tiện lợi với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý; kiềm chế, tiến tới giảm tai nạn giao thông; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông, vận tải.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Về vận tải:

- Đến năm 2020 vận chuyển hành khách đạt trên 15 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân 9%/năm; vận chuyển hàng hóa đạt 35 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm.

- Hàng năm giảm bình quân trên 5% số người chết do tai nạn giao thông có nguyên nhân từ phương tiện kinh doanh vận tải.

b) Về kết cấu hạ tầng:

- Đường bộ: Hoàn thành tuyến nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, triển khai xây dựng vành đai 4, vành đai 3,5 Thủ đô Hà Nội, tuyến cao tốc Chợ Bến - Yên Mỹ; nâng cấp các tuyến quốc lộ, tuyến nối vành đai, các tuyến đường tỉnh, hệ thống cầu, cống. Đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện trọng yếu; nâng cấp một số tuyến đường xã, liên xã lên thành đường huyện; đẩy mạnh phong trào cứng hóa, cải tạo đường nội đồng; thực hiện đạt các tiêu chí giao thông của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Đường sông: Duy trì cấp kỹ thuật các tuyến sông trung ương, cải tạo hạ tầng các tuyến sông địa phương; xây dựng cảng, bến thủy nội địa, tăng cường công tác quản lý.

- Đường sắt: Từng bước đưa vào cấp kỹ thuật tuyến đường sắt hiện có; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt vành đai theo hành lang vành đai IV Thủ đô Hà Nội; tuyến đường sắt kết nối với thành phố Hưng Yên, Khu Đại học Phố Hiến.

[...]