Quyết định 1202/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 1202/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/06/2013
Ngày có hiệu lực 24/06/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Xuân Tiến
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1202/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 24 tháng 6 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; số 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; số 1462/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;

Căn cứ văn bản số 9193/BGTVT-KHĐT ngày 30/12/2009 của Bộ Giao thông vận tải về việc thỏa thuận quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Quan điểm phát triển

1. Phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh Lâm Đồng phù hợp với chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trong khu vực, gắn kết với mạng lưới giao thông quốc gia và của từng địa phương trong vùng; ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước nhằm tạo tiền đề làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Phát triển mạng lưới đường bộ hợp lý, đồng bộ, đảm bảo bền vững, an toàn giao thông, giảm thiểu tác động môi trường; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng, quản lý khai thác phù hợp với từng cấp đường và cấp quản lý.

3. Từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo hướng hiện đại, liên kết thuận lợi với các phương thức vận tải khác, các trục giao thông đối ngoại, liên kết các vùng kinh tế trọng điểm (miền Trung, phía Nam và Tây Nguyên) nhằm đảm bảo tính đồng bộ, chủ động và hiệu quả, tiết kiệm chi phí xã hội.

4. Duy trì, củng cố mạng lưới giao thông hiện tại, nâng cấp một số tuyến quan trọng, từng bước đưa vào cấp tiêu chuẩn kỹ thuật của đường. Xây dựng các tuyến đường mới phải gắn với mạng lưới giao thông đường cao tốc, đường tỉnh và quốc lộ.

5. Huy động tối đa các nguồn lực, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và kinh doanh vận tải.

6. Phát triển mạng lưới giao thông phải gắn với việc sắp xếp điều chỉnh lại các điểm dân cư, các khu vực sản xuất; dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tăng cường công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông.

II. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu đến năm 2020

- Đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn, tiện lợi, giảm thiểu tai nạn giao thông; đầu tư một số công trình trọng điểm để nâng cao năng lực vận tải.

- Phối hợp Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương trước năm 2015; hoàn thành khôi phục, nâng cấp quốc lộ 20, quốc lộ 27; đầu tư nâng cấp 28, quốc lộ 55.

- Hoàn thành nâng cấp các đường tỉnh ĐT.721, ĐT.722, ĐT.725 và mở mới một số tuyến đường tỉnh, đường vành đai đô thị cần thiết; hoàn thành tuyến đường Trường Sơn Đông.

- Hiện đại hoá mạng lưới giao thông đô thị tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các thị trấn, thị tứ; xây dựng đường vành đai và tuyến tránh qua các đô thị. Toàn bộ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hoá, các cầu cống được xây dựng kiên cố; 100% số xã đạt được tiêu chí về giao thông trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Mở thêm các tuyến bay nội địa và quốc tế trong khu vực đi và đến cảng hàng không Liên Khương.

2. Định hướng phát triển đến năm 2030: cơ bản hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông trong phạm vi toàn tỉnh. Tiếp tục xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông khác theo quy hoạch.

III. Quy hoạch phát triển

1. Đường cao tốc

- Đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt: chiều dài 209 km. Đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng dài 139,2km, xây dựng đường cao tốc 4 làn xe (hiện nay đã đầu tư xây dựng đoạn từ ngã ba Liên Khương – chân đèo Prenn dài 19,2 km).

[...]