Nghị quyết 08/2015/NQ-HĐND về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 của thành phố Hà Nội

Số hiệu 08/2015/NQ-HĐND
Ngày ban hành 01/12/2015
Ngày có hiệu lực 11/12/2015
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thị Bích Ngọc
Lĩnh vực Đầu tư

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/2015/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2016-2020 CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 14

(Từ ngày 01/12 đến ngày 04/12/2015)

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18/6/2014;

Xét Tờ trình số 80/TTr-UBND ngày 13/11/2015 của UBND thành phố Hà Nội về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của Thành phố; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách; Báo cáo giải trình bổ sung số 222/BC-UBND ngày 30/11/2015 của UBND Thành phố và ý kiến của Đại biểu HĐND Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có ý kiến về dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 của Thành phố như sau:

1. Đánh giá chung:

UBND Thành phố đã ban hành chỉ thị, hướng dẫn và yêu cầu các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

UBND Thành phố đã xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 của Thành phố và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, tổng hợp báo cáo Chính phủ theo quy định.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Thành phố được chuẩn bị công phu, chi tiết. Kết cấu và nội dung của Báo cáo phù hợp với quy định. Báo cáo đã đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2011-2015 của Thành phố, bao gồm tình hình xử lý nợ XDCB; xác định các định hướng đầu tư các lĩnh vực, nhu cầu đầu tư, dự báo khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020; đề xuất nguyên tắc lập kế hoạch; xác định các chương trình mục tiêu quốc gia và thành phố giai đoạn 2016-2020; lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của Thành phố; đề xuất một số giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch. Kèm theo Báo cáo có 8 phụ lục, nêu cụ thể danh mục các dự án, chương trình đầu tư công giai đoạn 2016-2020, chi tiết theo từng nguồn vốn.

2. Một số vấn đề cụ thể:

2.1. Định hướng đầu tư các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2016-2020 được xác định trên cơ sở Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch, kế hoạch, đề án đã được phê duyệt. Xác định nhu cầu vốn đầu tư, dự báo khả năng huy động và tính toán bước đầu về các nguồn vốn đầu tư phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thực tiễn của Thành phố. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của Thành phố được xây dựng cơ bản phù hợp với quy định của Luật, hướng dẫn của Trung ương và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

2.2. Thống nhất với đề nghị của UBND Thành phố về việc không phê duyệt lại chủ trương đầu tư đối với các dự án đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn thực hiện thuộc danh mục kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước 3 năm 2013-2015 đã được HĐND Thành phố quyết nghị tại Nghị quyết số 19/2012/NQ-HĐND ngày 07/12/2012 và UBND Thành phố ban hành tại Quyết định số 5726/QĐ-UBND ngày 10/12/2012, đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của Thành phố.

2.3. Thống nhất về nguyên tắc hỗ trợ đầu tư các dự án thuộc ngành dọc (quốc phòng, an ninh, phòng cháy chữa cháy, tư pháp…) trên cơ sở các dự án cụ thể được HĐND Thành phố chấp thuận chủ trương hỗ trợ đầu tư.

Thống nhất hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Thành phố cho ngân sách cấp huyện (gồm 17 huyện và 01 thị xã) như phương án đề xuất của UBND Thành phố. Cụ thể mức tối đa ngân sách thành phố hỗ trợ có mục tiêu đối với 18 huyện, thị xã trong 5 năm 2016-2020 như sau:

- Nhóm 1 gồm 3 huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn: dự kiến mức hỗ trợ cho mỗi đơn vị là 600 tỷ đồng (trung bình mỗi năm khoảng 120 tỷ đồng).

- Nhóm 2 gồm 10 huyện, thị xã: Chương Mỹ, Mê Linh, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và Sơn Tây: dự kiến mức hỗ trợ cho mỗi đơn vị là 500 tỷ đồng (trung bình mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng).

- Nhóm 3 gồm 5 huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì: dự kiến mức hỗ trợ cho mỗi đơn vị là 400 tỷ đồng (trung bình mỗi năm khoảng 80 tỷ đồng).

Ngoài mức hỗ trợ nêu trên, ngân sách Thành phố xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ) và các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi (tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 31/10/2011 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 30/11/2012 của UBND Thành phố) và cho các địa phương phục vụ GPMB các dự án xây dựng nghĩa trang, bãi rác thải tập trung, các dự án trọng điểm của quốc gia và Thành phố, các dự án xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

UBND Thành phố lập dự toán hỗ trợ hàng năm, trình HĐND Thành phố theo quy định.

3. HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 trong đó lưu ý một số nội dung sau:

- Tập trung chỉ đạo các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc khẩn trương lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, dự án dự kiến đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn trước ngày 30/4/2016 để đảm bảo khi trình HĐND Thành phố quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 phải đủ thủ tục.

- Lập danh mục các công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do thành phố Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương để tiếp tục đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật Thủ đô. Trường hợp không được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thì phải có phương án tạo nguồn để thực hiện.

- Các dự án đầu tư thuộc ngành dọc có sử dụng nguồn ngân sách Thành phố hỗ trợ và dự án đầu tư của 18 huyện, thị xã sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ có mục tiêu đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của Thành phố phải đảm bảo thủ tục thẩm định, phê duyệt chấp thuận về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ và phê duyệt chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư công.

- Trên cơ sở vận dụng quy định của Luật Đầu tư công và hướng dẫn của Chính phủ về quy trình lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ do địa phương quản lý, UBND Thành phố xây dựng và thống nhất với Thường trực HĐND Thành phố về quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt chấp thuận về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách Thành phố hỗ trợ đầu tư các dự án ngành dọc và hỗ trợ có mục tiêu đối với 18 huyện, thị xã.

[...]