Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 01/2009/NQ-HĐND về phát triển kinh tế biển thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020

Số hiệu 01/2009/NQ-HĐND
Ngày ban hành 29/04/2009
Ngày có hiệu lực 09/05/2009
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Thuận
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2009/NQ-HĐND

Hải Phòng, ngày 29 tháng 4 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
KHÓA XIII KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Sau khi xem xét Tờ trình số 14/TTr-UBND ngày 17/4/2009 và Đề án số 1843/ĐA-UBND ngày 17/4/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển kinh tế biển thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành nội dung Đề án số 1843/ĐA-UBND ngày 17/4/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển kinh tế biển thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, đồng thời nhấn mạnh những nội dung sau:

1. Hải Phòng là thành phố Cảng, là cửa chính ra biển của vùng châu thổ sông Hồng và các tỉnh phía Bắc, có tiềm năng đa dạng, phong phú để phát triển kinh tế biển, là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và miền Bắc, trong hợp tác hai hành lang một vành đai kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc hội nhập với khu vực, quốc tế. Vùng biển và dải ven biển thành phố có vị trí đặc biệt về quốc phòng - an ninh. Những năm qua, kinh tế biển Hải Phòng phát triển khá nhanh, một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng cao đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển, đảo thành phố và đất nước. Tuy nhiên, kinh tế biển của thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cần có các biện pháp phát triển mạnh mẽ hơn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế biển thành phố Hải Phòng đến năm 2015 và 2020

2.1. Mục tiêu

Mục tiêu tổng quát: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, xây dựng Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, một trọng điểm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, một trung tâm kinh tế biển của khu vực kinh tế Vịnh Bắc Bộ và cả nước. Kinh tế biển là động lực, là’hạt nhân' tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện kinh tế thành phố để xây dựng thành phố Hải Phòng hiện đại, phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường; trở thành trung tâm mạnh về khoa học công nghệ biển, trung tâm chuyển giao công nghệ về kinh tế biển, đóng góp ngày càng lớn vào phát triển của khu vực phía Bắc và cả nước; từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, trọng điểm du lịch quốc gia, trung tâm thương mại - tài chính của khu vực Đông Nam Á; một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu cụ thể:

- Phát triển nhanh kinh tế biển góp phần đưa tỷ trọng GDP Hải Phòng trong GDP cả nước đạt khoảng 4,5% năm 2010 và 7,3% năm 2020. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ 13 - 13,5% giai đoạn 2008 - 2015 và 14 - 15% giai đoạn 2015 - 2020, cao hơn mức tăng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ khoảng 1,3 lần; GDP bình quân đầu người đạt 2.900 - 3.000 USD vào năm 2015 và 4.900 - 5.000 USD vào năm 2020.

- Hình thành một số ngành, sản phẩm mũi nhọn của kinh tế biển có đóng góp cao về giá trị xuất khẩu để tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân 18 - 19% giai đoạn 2008 - 2015, và đạt 19 - 20% giai đoạn 2016 - 2020.

- Khối lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực Hải Phòng đạt 55 - 60 triệu tấn vào năm 2015, 80 - 100 triệu tấn vào năm 2020.

- Đón 5 triệu lượt khách du lịch vào năm 2015 (khách quốc tế đạt 1,25 triệu lượt), 6,9 triệu lượt khách vào năm 2020 (khách quốc tế đạt 2,3 triệu lượt trở lên).

- Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất của ngành thủy sản 8 - 9% thời kỳ trước 2015 và 9 - 10% thời kỳ 2016 - 2020. Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản, đảm bảo giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt 100 triệu USD và 150 triệu USD vào năm 2020.

- Đối với khu vực các xã, phường tiếp giáp và liền kề biển: Phát huy triệt để lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, thu hút đầu tư, lao động và phát triển các lĩnh vực kinh tế, dân sinh, tạo ra sự phát triển năng động của toàn khu vực. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực này cao gấp 1,3 - 1,5 lần thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố và dải ven biển cả nước vào năm 2015 và gấp 1,4- 1,6 lần vào năm 2020; thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo.

- Đối với hai huyện đảo: (1) Huyện đảo Cát Hải: Xây dựng thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh tầm quốc gia và quốc tế; trung tâm dịch vụ thủy sản và hậu cần nghề cá của vùng Vịnh Bắc Bộ; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 16,5% vào năm 2015; trên 17% giai đoạn 2016 - 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng Dịch vụ - Nông nghiệp - Công nghiệp. (2)Huyện đảo Bạch Long Vỹ: Phát triển theo mô hình kinh tế đảo gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011 - 2015: 19%, giai đoạn 2016 - 2020: 16%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp, trong đó tỷ trọng dịch vụ đến năm 2015: 80%, năm 2020: trên 80%.

2.2. Nhiệm vụ cụ thể

Từ nay đến trước năm 2020 xác định 06 lĩnh vực kinh tế biển trọng tâm theo thứ tự ưu tiên như sau: (1) Phát triển hệ thống cảng, dịch vụ hàng hải, vận tải biển; (2) Xây dựng khu kinh tế, các khu công nghiệp, các khu đô thị ven biển; (3) Công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thủy và phương tiện nổi; (4) Kinh tế thủy sản; (5) Du lịch biển. (6) Phát triển các huyện đảo.

a) Phát triển hệ thống cảng, dịch vụ hàng hải, vận tải biển

Phát triển hệ thống cảng biển: Đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng cảng, hiện đại hóa, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ xếp dỡ hàng hóa để đến năm 2015 đảm bảo thực hiện lượng hàng thông qua các cảng trên địa bàn đạt 55 - 60 triệu tấn; đến năm 2020 đạt 80 - 100 triệu tấn. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để phát triển nhanh Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện; sớm quy hoạch và xây dựng quân cảng Nam Đồ Sơn thực hiện mục tiêu kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Dịch vụ hàng hải: Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ hàng hải: đại lý tàu biển và môi giới hàng hải, lai dắt tàu biển, cung ứng tàu biển, giao nhận và kiểm đếm hàng hóa, sửa chữa nhỏ tàu biển tại cảng, vệ sinh môi trường biển, xếp dỡ hàng hóa, cứu hộ trên biển, dịch vụ cho thuyền viên tại cảng... Hình thành các cảng cạn trong nội địa để kết hợp với cảng biển tạo thành hệ thống liên hoàn.

Vận tải biển: Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hiện đại hóa đội tàu biển, nâng cao năng lực vận tải và sức cạnh tranh, giữ vững vai trò trung tâm hàng đầu của cả nước và tiến tới đạt vị trí cao trong khu vực. Mở rộng thị phần vận tải biển, đảm bảo vận chuyển trên 15% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực cảng Hải Phòng và Quảng Ninh (đến năm 2015) và trên 35 - 40% (đến năm 2020). Phấn đấu đảm nhận vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng, toàn miền Bắc, hàng quá cảnh của vùng Tây Nam Trung Quốc; đẩy mạnh vận tải ven biển Bắc - Nam, vận chuyển khách du lịch quốc tế và khách ra đảo thuộc vùng vịnh Bắc Bộ.

b) Phát triển khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển

Đến 2015, tập trung đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, tăng cường thu hút đầu tư để lấp đầy các khu công nghiệp đã hình thành, xây dựng mới một số khu công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tiếp nhận nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, công nghệ tiên tiến; ưu tiên dự án sản xuất hàng xuất khẩu và sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Đến năm 2020 tiếp tục phát triển thêm một số khu công nghiệp mới với hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, chất lượng cao thu hút các dự án có hàm lượng công nghiệp kỹ thuật và khả năng cạnh tranh cao. Phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 90% các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp ven biển. Phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải thành một trong những trung tâm kinh tế giao thương quốc tế hiện đại của vùng Bắc Bộ và cả nước. Xây dựng các khu đô thị và các khu dịch vụ công cộng hiện đại.

Quy hoạch phát triển Hải Phòng gắn kết với các đô thị khác trở thành chuỗi đô thị ven biển của vùng Duyên hải Bắc Bộ, trong đó thành phố Hải Phòng là đô thị trung tâm, liên kết chặt chẽ với các đô thị ven biển khu vực Bắc Bộ.

[...]