Nghị quyết 69/2016/NQ-HĐND phát triển kinh tế biển giai đoạn đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 69/2016/NQ-HĐND
Ngày ban hành 19/12/2016
Ngày có hiệu lực 30/12/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Đức Thanh
Lĩnh vực Đầu tư,Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/2017/NQ-HĐND

Ninh Thuận, ngày 19 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 61/2008/QĐ-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dải ven biển miền Trung Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 33/2015/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2015 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 05 năm 2016 - 2020;

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;

Thực hiện Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020;

Thực hiện Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020;

Thực hiện Chương trình hành động số 104-CTr/TU ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo;

Xét Tờ trình số 159/TTr-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2016 của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế biển giai đoạn đến năm 2020

1. Mục tiêu: tập trung xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng toàn diện và hiện đại. Phấn đấu đến năm 2020, Ninh Thuận trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển bền vững, đồng bộ, có năng lực cạnh tranh cao, là trung tâm năng lượng sạch, là khu vực trọng điểm du lịch quốc gia và là trung tâm sản xuất giống thủy sản của cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng biển và ven biển. Trước mắt, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển 03 nhóm ngành: khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; phát triển du lịch biển; phát triển công nghiệp biển và ven biển để tạo bứt phá và trở thành động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu

a) Phấn đấu trong giai đoạn 2016 - 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế biển tăng bình quân 15 - 16%/năm;

b) Đến năm 2020: Kinh tế biển chiếm 38 - 40% tổng sản phẩm nội tỉnh; tổng giá trị sản xuất, dịch vụ kinh tế biển đạt khoảng 17.000 - 17.500 tỷ đồng, trong đó: thủy sản chiếm 34 - 35%; công nghiệp ven biển 55 - 56% và du lịch biển 9 - 10%; giá trị kim ngạch xuất khẩu của các ngành kinh tế biển chiếm 46 - 47%  tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh;

c) Phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư cho các ngành kinh tế biển khoảng 19.000 - 20.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước và ODA khoảng 5.000 - 5.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 26 - 28%. Nâng cao chất lượng du lịch biển, từng bước trở thành khu vực du lịch trọng điểm của quốc gia.

Điều 2. Một số nhiệm vụ chủ yếu trên các lĩnh vực

1. Phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy hải sản

a) Tiếp tục rà soát, bổ sung Đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND ngày 18 tháng 12 năm 2013 của HĐND tỉnh gắn với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và các chính sách hỗ trợ khác; khuyến khích ngư dân đầu tư tàu thuyền công suất lớn, trang thiết bị hiện đại vươn khơi, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành khai thác hải sản theo hướng nâng cao hiệu quả, bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

b) Củng cố và phát triển các mô hình dịch vụ khai thác trên biển theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các đội tàu cung ứng dịch vụ hậu cần, thu mua sản phẩm khai thác xa bờ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản cho ngư dân. Phấn đấu đến năm 2020, tổng số tàu thuyền khoảng 2.900 chiếc/380.000 CV; sản lượng khai thác đạt 70 - 75 nghìn tấn, trong đó khai thác xa bờ chiếm 65 - 70%.

c) Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá, trọng tâm là đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng cá Mỹ Tân, Đông Hải, Ninh Chữ, Cà Ná thành các trung tâm thương mại nghề cá, kết hợp làm nơi tránh trú bão cho tàu thuyền, quy mô mỗi cảng từ 500 - 1.000 chiếc và tiếp nhận tàu có công suất từ 500 - 1.000CV

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ