Nghị định 97/1998/NĐ-CP về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức

Số hiệu 97/1998/NĐ-CP
Ngày ban hành 17/11/1998
Ngày có hiệu lực 02/12/1998
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 97/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 1998

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 97/1998/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 1998 VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT VÀ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Việc xử lý kỷ luật công chức nhằm mục đích giáo dục công chức, đồng thời góp phần phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật của công chức.

Điều 2.

1. Công chức áp dụng trong Nghị định này là những người trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, bao gồm:

a) Những người được quy định tại khoản 3 Điều 1 Pháp lệnh Cán bộ, công chức;

b) Những người được quy định tại khoản 5 Điều 1 Pháp lệnh Cán bộ, công chức;

Đối với những người quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, ngoài việc thực hiện các quy định của Nghị định này, còn phải tuân theo các quy định về chế độ quản lý, chỉ huy của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân;

c) Công chức biệt phái sang làm việc tại các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp mà các tổ chức này đã được cơ quan có thẩm quyền giao chỉ tiêu biên chế.

2. Đối với những người làm việc theo hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước khi vi phạm kỷ luật thì xử lý theo quy định của Bộ luật Lao động.

Điều 3.

1. Công chức chỉ bị xử lý kỷ luật khi vi phạm các quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 và các Điều thuộc Chương III của Pháp lệnh Cán bộ, công chức và các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Việc xử lý kỷ luật phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng thủ tục được quy định trong Nghị định này.

3. Việc xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm và quá trình công tác của công chức.

4. Không xử lý kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm kỷ luật khi mắc bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hành vi của mình hoặc phải thi hành quyết định của cấp trên quy định tại Điều 8 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức.

Điều 4. Công chức làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp công chức gây thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng thì không phải bồi thường.

Điều 5.

1. Khi xử lý kỷ luật công chức nhất thiết phải thành lập Hội đồng kỷ luật.

2. Khi họp Hội đồng kỷ luật phải có mặt của đương sự. Trường hợp đương sự vắng mặt phải có lý do chính đáng. Nếu đương sự vắng mặt 2 lần khi đã được triệu tập thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật.

3. Thời hiệu để xử lý vi phạm kỷ luật tối đa là 3 tháng kể từ ngày phát hiện vi phạm; trường hợp việc vi phạm có những tình tiết phức tạp cần có thời gian để điều tra, xác minh thì có thể kéo dài nhưng thời hiệu không quá 6 tháng (trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định này).

Điều 6.

1. Công chức bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức thì việc nâng bậc lương và bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn thực hiện theo quy định tại Điều 43 Pháp lệnh Cán bộ, công chức.

2. Kể từ ngày có quyết định kỷ luật sau 12 tháng nếu công chức không tái phạm và không có những vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định chấm dứt hiệu lực kỷ luật.

[...]