BAN
TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
05/1999/TT-TCCP
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1999
|
THÔNG TƯ
CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ 05/1999/TT-TCCP NGÀY 27
THÁNG 3 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 97/1998/NĐ-CP NGÀY 17/11/1998
CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT VÀ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC
Thi hành Nghị định số
97/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật
chất đối với công chức, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện một
số điểm cụ thể như sau:
I. NHỮNG QUY
ĐỊNH CHUNG
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có
thẩm quyền quản lý công chức quy định tại Nghị định 97/1998/NĐ-CP là những cơ
quan, tổ chức được phân cấp quản lý ngạch công chức.
2. Công chức biệt phái sang làm
việc tại các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp mà các
tổ chức này đã được cơ quan có thẩm quyền giao chỉ tiêu biên chế được áp dụng
theo Nghị định 97/1998/NĐ-CP và Thông tư này bao gồm:
2.1. Các tổ chức xã hội, tổ chức
xã hội nghề nghiệp ở Trung ương gồm 18 Hội hiện nay được giao biên chế là: Hội
chữ thập đỏ Việt Nam; Hội nhà báo Việt Nam; Hội người mù Việt Nam; Hội nghệ sĩ
sân khấu Việt Nam; Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam; Hội luật gia Việt Nam; Hội
văn nghệ dân gian Việt Nam; Hội kiến trúc sư Việt Nam; Hội điện ảnh Việt Nam; Hội
nhạc sĩ Việt Nam; Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; Hội nghệ sĩ múa Việt Nam; Hội
liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam; Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật
Việt Nam; Tổng hội y dược học Việt Nam; Hội y học cổ truyền Việt Nam; Hội nhà
văn Việt Nam và Hội văn hoá văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam.
2.2. Các tổ chức xã hội, tổ chức
xã hội nghề nghiệp ở địa phương bao gồm 4 hội nghề nghiệp cấp tỉnh đã được Liên
Bộ duyệt chuyển xếp lương mới theo Nghị đình 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ
là: Hội chữ thập đỏ Việt Nam; Hội người mù Việt Nam; Hội y học cổ truyền Việt
Nam; Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam;
3. Những người làm việc theo hợp
đồng trong chỉ tiêu biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước khi có hành
vi vi phạm kỷ luật thì xử lý theo quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định số
41/CP ngày 6/7/1995 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một
số điều của Bộ luật Lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất.
4. Không xử lý kỷ luật đối với
công chức có hành vi vi phạm kỷ luật khi:
4.1. Công chức mắc bệnh tâm thần
đang được điều trị tại bệnh việc tâm thần hoặc được khoa thần kinh của bệnh viện
quận, huyện, tỉnh, bệnh viện Trung ương chứng nhận.
4.2. Công chức bị mất khả năng
nhận thức hành vi của mình và được cơ sở y tế có thẩm quyền (bệnh viện quận,
huyện, tỉnh, bệnh viện Trung ương) xác nhận.
5. Công chức không phải bồi thường
thiệt hại khi làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc gây thiệt hại tài sản
Nhà nước do nguyên nhân bất khả kháng như: thiên tai, hỏa hoạn, địch hoạ... có
xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức.
6. Thời hiệu để xử lý vi phạm kỷ
luật tối đa là 3 tháng kể từ khi phát hiện công chức vi phạm, tức là từ khi cơ
quan, tổ chức phát hiện công chức vi phạm hoặc có quyết định điều tra, xem xét
sự việc; người tố cáo có đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 57 của Luật khiếu nại, tố cáo hoặc do
cơ quan quản lý và sử dụng công chức có văn bản yêu cầu xem xét công chức vi phạm
kỷ luật. Trường hợp việc vi phạm của công chức có nhiều tình tiết phức tạp cần
có thời gian để điều tra xác minh thì có thể kéo dài nhưng thời hiệu không quá
6 tháng.
Hết thời hiệu mà không xác định
được công chức có lỗi thì chất dứt điều tra, xem xét kỷ luật.
7. Kể từ ngày có quyết định kỷ
luật, sau 12 tháng, nếu công chức không tái phạm và không có những hành vi vi
phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì bộ phận phụ trách nhân sự của cơ quan báo
cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định chất dứt hiệu lực
kỷ luật.
Sau khi có quyết định chất dứt
hiệu lực kỷ luật đối với công chức bị hạ ngạch, hạ bậc lương thì không nhất thiết
phải phục hồi ngạch và bậc lương cũ; việc xem xét công chức có trở về ngạch cũ,
bậc lương cũ hay không là do tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản
lý công chức xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể.
Trường hợp công chức bị cách chức
thì việc bổ nhiệm lại được thực hiện theo quy định về quản lý cán bộ, công chức
của đảng Cộng sản Việt Nam và của Nhà nước.
8. Công chức bị xử lý kỷ luật, nếu
xét thấy chưa thoả đáng thì có quyền khiếu nại về quyết định kỷ luật đối với
mình đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Điều 48, 49, 50 và Điều
51 của Luật khiếu nại, tố cáo.
Các cơ quan, tổ chức khi nhận được
khiếu nại của công chức phải có trách nhiệm xem xét và trả lời đương sự theo
quy định tại Điều 51, 52, 53, 54 và Điều 55 của Luật khiếu nại, tố cáo.
9. Công chức bị xử lý kỷ luật hoặc
truy cứu trách nhiệm hình sự mà đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luật
là oan, sai theo quy định tại Điều 45 Pháp lệnh cán bộ, công chức thì chậm nhất
là 30 ngày kể từ khi cơ quan, tổ chức nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền,
người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công chức làm việc có trách nhiệm tổ chức
công bố trước toàn bộ cán bộ, công chức hay đại diện cán bộ, công chức (trường
hợp cơ quan đông người) kết luật trên đồng thời thực hiện việc bố trí, sắp xếp
vào ngạch, xếp hệ vào ngạch, xếp hệ số lương tương ứng với ngạch cũ. Thời gian
bị kết luận là oan sai được tính là thời gian để nâng bậc lương. Việc bồi thường
các quyền lợi theo quy định tại Nghị định số 47/CP ngày 3/5/1997 của Chính phủ
về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người
có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.
II. XỬ LÝ KỶ
LUẬT
A. MỘT SỐ
NGUYÊN TẮC CỤ THỂ KHI TIẾN HÀNH XỬ LÝ KỶ LUẬT:
1. Khi hết "thời gian chưa
xử lý kỷ luật" đối với công chức quy định tại điểm 4 Điều 9 Nghị định số
97/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị quản
lý và sử dụng công chức phải thông báo cho công chức biết và tiến hành xem xét,
xử lý kỷ luật theo quy định.
2. Việc tạm thời đình chỉ công
tác của công chức cần xem xét thận trọng, chỉ tạm đình chỉ công tác khi thấy nếu
để công chức tiếp tục làm việc có thể gây tác hại hoặc cản trở điều tra kết luận
sự việc.
3. Công chức trong thời gian tạm
đình chỉ công tác được tạm ứng 50% tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) ở mức
lương tại thời điểm trước khi bị đình chỉ công tác được thực hiện như sau:
3.1. Sau khi cơ quan, tổ chức,
đơn vị xem xét nếu công chức không bị xử lý kỷ luật thì được truy lĩnh phần tiền
lương và các khoản phụ cấp (nếu có) còn lại. Thời gian tạm đình chỉ công tác được
tính là thời gian công tác để thực hiện chế độ.
3.2. Trường hợp công chức bị xử
lý kỷ luật thì không được truy lĩnh phần tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu
có) còn lại. Thời gian tạm đình chỉ công tác và thời gian tính đến khi có quyết
định kỷ luật công chức được tính là thời gian công tác để thực hiện chế độ
nhưng không được tính thời gian để nâng bậc.
4. Trong thời gian bị bắt và tạm
giam công chức được tạm ứng 50% tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) ở mức
lương tại thời điểm trước khi bị bắt và tạm giam. Sau khi toà án xem xét nếu
công chức không phạm tội và không bị xử lý hành chính thì được truy lĩnh phần
tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) còn lại, thời gian bị bắt và tạm giam
được tính là thời gian công tác để thực hiện chế độ. Nếu bị xử lý kỷ luật thì
thực hiện như quy định tại điểm 3.2. mục A phần II của Thông tư này.
Trường hợp công chức phạm tội bị
toà án phạt tù án treo hoặc cải tạo không giam giữ, quản chế thì trong thời
gian bị bắt và tạm giam công chức được tạm ứng 50% tiền lương và các khoản phụ
cấp (nếu có), không được truy lĩnh phần tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu
có) còn lại. Thời gian bị bắt và tạm giam không được tính là thời gian công tác
để thực hiện chế độ.
5. Ngoài những trường hợp có thể
bị buộc thôi việc quy định tại điểm 7 Điều 12 của Nghị định 97/1998/NĐ-CP thì Hội
đồng kỷ luật xem xét kiến nghị buộc thôi việc đối với công chức tự ý bỏ việc 7
ngày trong 1 tháng hoặc 20 ngày trong 1 năm (cộng dồn) mà không có lý do chính
đáng.
Công chức phạm tội bị toà án phạt
tù mà không được hưởng án treo kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp
luật thì đương nhiên buộc thôi việc.
6. Hình thức hạ ngạch thực hiện
theo nguyên tắc sau:
6.1. Hạ từ ngạch chuyên môn công
chức đang giữ xuống ngạch thấp hơn liền kề và chuyển xếp ở hệ số lương của ngạch
bị hạ xuống tương đương với hệ số lương của ngạch được hưởng trước khi bị xử lý
kỷ luật.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn M đang giữ
ngạch chuyên viên chính (mã số 01002), hệ số lương 3,63 vi phạm kỷ luật ở hình
thức hạ ngạch, ông M sẽ bị hạ từ ngạch chuyên viên chính xuống ngạch chuyên
viên (mã số 01003), xếp hệ số lương 3,56.
7. Hình thức hạ bậc lương thực
hiện theo nguyên tắc sau:
7.1. Hạ từ bậc của ngạch chuyên
môn công chức đang giữ xuống bậc thấp hơn liền kề trong ngạch đó.
7.2. Trường hợp công chức đang
giữ hệ số lương ở bậc 1 của ngạch chuyên môn thì thực hiện việc kéo dài thời
gian nâng bậc thêm một thâm niên nâng bậc của ngạch, không kể thời gian quy định
tại điểm 2 Điều 6 của Nghị định số 97/1998/NĐ-CP.
Ví dụ: Bà Nguyễn Thị N đang giữ
bậc 1 của ngạch giáo viên tiểu học (mã số 15114), hệ số lương 1,57 từ ngày
1/5/1997, tháng 1/1999 bị xử lý kỷ luật ở hình thức hạ bậc. Vậy bà N đến
1/5/2002 mới được nâng lên bậc 2 nếu bà N không tái phạm và không có những vi
phạm đến mức phải xử lý kỷ luật.
Ví dụ 2: ông Trần Văn H đang giữ
bậc 1 của ngạch chuyên viên (mã số 01003), hệ số lương 1,86 từ ngày 1/10/1996,
tháng 5/1999 bị xử lý kỷ luật ở hình thức hạ bậc. Vậy ông H đến 1/10/2003 mới
được nâng lên bậc 2 nếu ông H không tái phạm và không có những hành vi vi phạm
đến mức phải xử lý kỷ luật.
B. HỘI ĐỒNG KỶ
LUẬT:
1. Thành phần Hội đồng kỷ luật
thực hiện theo quy định tại Điều 14 của Nghị định 97/1998/NĐ-CP.
2. Trường hợp người đứng đầu hoặc
trường hợp người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị
đều có hành vi vi phạm kỷ luật thì người đứng đầu cơ quan quản lý cấp trên quyết
định thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét, xử lý. Thành phần Hội đồng kỷ luật
gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là người đứng
đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan quản lý cấp trên cơ quan, tổ chức,
đơn vị.
- Đại diện Ban chấp hành công
đoàn cùng cấp.
- Đại diện công chức của cơ
quan, tổ chức, đơn vị có người vi phạm kỷ luật (do tập thể công chức đơn vị cử
ra).
III. PHÂN CẤP
VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT
1. Đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ:
1.1. Công chức ngạch chuyên viên
cáo cấp và tương đương, sau khi Hội đồng kỷ luật xem xét, trình Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định và gửi văn bản báo
cáo về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để theo dõi.
1.2. Công chức ngạch chuyên viên
chính và tương đương sau khi Hội đồng kỳ luật xem xét, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ra quyết định kỷ luật.
1.3. Công chức ngạch chuyên viên
và tương đương thực hiện như sau:
1.3.1. Công chức làm việc ở Tổng
cục, Cục, Viện, Trường.... trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ thì sau khi Hội đồng kỷ luật xem xét người đứng đầu các cơ quan, tổ chức,
đơn vị nói trên ra quyết định kỷ luật. Trường hợp bị xử lý hình thức kỷ luật từ
hạ ngạch trở lên thì sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Vụ Tổ chức
cán bộ, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị nêu trên ra quyết định kỷ
luật.
1.3.2. Công chức làm việc ở cơ
quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi Hội đồng kỷ luật xem
xét, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ra quyết định
kỷ luật.
1.4. Công chức ngạch cán sự và
tương đương trở xuống có hành vi vi phạm kỷ luật thì sau khi Hội đồng xem xét,
người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân cấp quản lý ngạch công chức
ra quyết định kỷ luật.
2. Đối với Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương:
2.1. Công chức ngạch chuyên viên
cao cấp và tương đương, sau khi Hội đồng kỷ luật xem xét, trình Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định và gửi văn bản báo
cáo về Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để theo dõi.
2.2. Công chức ngạch chuyên viên
chính và tương đương sau khi Hội đồng kỷ luật xem xét, trình Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định kỷ luật.
2.3. Công chức ngạch chuyên viên
và tương đương thực hiện như sau:
2.3.1. Công chức bị xử lý kỷ luật
bằng hình thức khiển trách đến hạ bậc lương, sau khi Hội đồng kỷ luật xem xét,
trình Giám đốc Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã,
thành phố trực thuộc tỉnh quản lý công chức ra quyết định kỷ luật.
2.3.2. Công chức bị xử lý kỷ luật
từ hình thức hạ ngạch trở lên, sau khi Hội đồng kỷ luật xem xét trình Giám đốc
Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực
thuộc tỉnh để báo cáo về Ban Tổ chức chính quyền, sau khi có ý kiến thống nhất
của Ban Tổ chức Chính phủ chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì
Giám đốc Sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố
trực thuộc tỉnh quản lý công chức mới ra quyết định kỷ luật.
2.4. Công chức ngạch cán sự và
tương đương trở xuống vi phạm kỷ luật thì sau khi Hội đồng kỷ luật xem xét,
Giám đốc Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố
trực thuộc tỉnh quản lý công chức ra quyết định kỷ luật.
3. Việc xử lý kỷ luật bằng hình
thức cách chức do Hội đồng kỷ luật xem xét và trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm
chức vụ đó để ra quyết định kỷ luật.
4. Trường hợp ý kiến của Hội đồng
kỷ luật khác với ý kiến của người ra quyết định (hoặc cơ quan thoả thuận) mà
sau khi thảo luận không thống nhất được thì người ra quyết định (hoặc cơ quan
thoả thuận) quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
5. Đối với công chức giữ ngạch
thanh tra viên cao cấp (cấp 3) nếu bị hình thức kỷ luật từ hạ ngạch trở lên thì
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về Ban Tổ chức - Cán
bộ Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Thông tư này thay thế các văn
bản sau đây:
- Thông tư liên bộ số 13/TT-LB
ngày 30/8/1996 giải thích và hướng dẫn thi hành điều lệ về kỷ luật lao động trong
cơ quan Nhà nước.
- Thông tư số 12/LĐ-TT ngày
28/5/1977 về củng cố và tăng cường kỷ luật trong cơ quan Nhà nước.
- Thông tư số 3/LĐ-TT ngày
20/2/1979 của Bộ Lao động hướng dẫn về thủ tục thi hành kỷ luật lao động đối với
công nhân viên chức Nhà nước.
- Thông tư số 13/LĐ-TT ngày
4/12/1979 của Bộ Lao động hướng dẫn thi hành việc đình chỉ công tác đối với cán
bộ, nhân viên Nhà nước phạm sai lầm, khuyết điểm.
- Thông tư liên bộ số 128/TT-LB
ngày 24/7/1968 của Bộ Tài chính, Lao động, Tổng công đoàn hướng dẫn việc thi
hành chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân, viên chức đối với tài sản của
Nhà nước.
3. Thông tư này có hiệu lực sau
15 ngày kể từ ngày ký.
4. Trong quá trình thực hiện có
gì vướng mắc, phản ảnh về Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ nghiên cứu, giải quyết.