Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm

Số hiệu 83/2010/NĐ-CP
Ngày ban hành 23/07/2010
Ngày có hiệu lực 09/09/2010
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Quyền dân sự

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 83/2010/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2010

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định trình tự, thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tài sản (sau đây gọi chung là đăng ký giao dịch bảo đảm); tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đăng ký giao dịch bảo đảm là việc cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm ghi vào Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc nhập vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm.

2. Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm là sổ chuyên dùng để đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc sổ có một phần dành để đăng ký giao dịch bảo đảm.

3. Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm là tập hợp các thông tin về giao dịch bảo đảm đã đăng ký được lưu giữ tại cơ quan đăng ký.

4. Hồ sơ đăng ký bao gồm đơn yêu cầu đăng ký hoặc đơn yêu cầu đăng ký và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

5. Hồ sơ đăng ký hợp lệ là hồ sơ có đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật hoặc có đơn yêu cầu đăng ký hợp lệ.

6. Đơn yêu cầu đăng ký hợp lệ là đơn có đủ các nội dung thuộc diện bắt buộc phải kê khai theo mẫu.

7. Tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, vườn cây lâu năm.

8. Giấy tờ xác định tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức, gồm: chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ thường trú, văn bản cấp mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận nhận đầu tư hoặc giấy tờ khác cấp cho tổ chức nước ngoài theo quy định của pháp luật nước đó.

Điều 3. Đối tượng đăng ký

1. Các giao dịch bảo đảm sau đây phải đăng ký:

a) Thế chấp quyền sử dụng đất;

b) Thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng;

c) Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;

d) Thế chấp tàu biển;

đ) Các trường hợp khác, nếu pháp luật có quy định.

2. Các giao dịch bảo đảm bằng tài sản không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được đăng ký khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu.

Điều 4. Nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm

[...]