Nghị định 631-TTg năm 1955 về quản lý vàng bạc do Thủ Tướng ban hành.

Số hiệu 631-TTg
Ngày ban hành 13/12/1955
Ngày có hiệu lực 28/12/1955
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 631-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 1955 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀNG BẠC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Để quản lý việc mua bán, chuyển vận vàng bạc, ngăn ngừa việc xuất nhập khẩu vàng bạc, có hại đến tài chính và tín dụng Quốc gia.
Theo đề nghị của ông Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nghị định này quy định một số biện pháp về quản lý vàng bạc.

Vàng bạc nói trong nghị định này gồm tất cả các thứ vàng bạc thoi, khối, nén, vàng lá, vàng cốm, vàng vụn, tiền vàng, tiền bạc, đồ dùng và đồ trang hoàng bằng vàng bạc (vật kỷ niệm, đồ trang sức, đồ thờ cúng…) các đồ hợp kim có vàng bạc…

Điều 2. Mọi người đều có quyền cất giữ vàng bạc. Nhưng ai muốn mua bán vàng bạc thì phải có giấy phép của Ngân hàng quốc gia Việt Nam hay của cơ quan được Ngân hàng quốc gia Việt Nam ủy nhiệm.

Điều 3. Ai muốn mang vàng bạc (không kể đồ tư trang dưới một số lượng nhất định) từ tỉnh này sang tỉnh khác, không phân biệt số lượng nhiều hay ít, đều phải thi hành đúng thủ tục dưới đây:

- Xin giấy phép của Ngân hàng quốc gia Việt Nam hay của cơ quan được Ngân hàng quốc gia Việt Nam ủy nhiệm ở nơi đi.

Trình giấy phép tại Ngân hàng quốc gia Việt Nam hay cơ quan được Ngân hàng quốc gia Việt Nam ủy nhiệm ở nơi đến.

Những người đeo tư trang, số lượng dưới một lạng vàng và tám lạng bạc, đi từ tỉnh này sang tỉnh khác không phải thi hành thủ tục trên.

Điều 4. Các cửa hiệu vàng bạc phải chịu sự kiểm soát của Ngân hàng quốc gia Việt Nam.

Các cửa hiệu vàng bạc chỉ được mua và bán vàng bạc đối với những người có giấy phép của Ngân hàng quốc gia Việt Nam và có nhiệm vụ:

1. Kê khai tất cả số vàng bạc hiện có ngay sau khi Ngân hàng quốc gia Việt Nam công bố thi hành nghị định này.

2. Ghi sổ tất cả số vàng bạc xuất nhập hàng ngày theo thể thức do Ngân hàng quốc gia Việt Nam ấn định.

3. Thường xuyên cứ 15 ngày một lần trình sổ sách và các giấy tờ cần thiết cho Ngân hàng quốc gia Việt Nam hay cho cơ quan được Ngân hàng quốc gia Việt Nam ủy nhiệm để kiểm soát. Ngân hàng quốc gia Việt Nam hay cơ quan được Ngân hàng quốc gia Việt Nam ủy nhiệm có quyền kiểm soát bất thường mỗi lúc xét cần thiết.

Điều 5. Cấm xuất nhập khẩu vàng, bạc trừ trường hợp được Ngân hàng quốc gia Việt Nam cho phép.

Điều 6. Cấm dùng vàng, bạc thay tiền để mua, bán hay thanh toán món nợ.

Điều 7. Cấm tàng trữ và lưu hành tất cả các loại tiền hoa (xòe) trừ ở vùng đồng bào thiểu số sẽ quy định riêng.

Điều 8. Những người làm trái nghị định này, tùy theo tội nặng nhẹ, sẽ xử phạt theo một hay nhiều hình thức dưới đây:

1. Phê bình, cảnh cáo.

2. Nếu phạm vào các điều 2, 3, 5, 6, 7 thì sẽ bị phạt tiền bằng số từ 30% đến 50% trị số vàng bạc mua bán, chuyển vận, sử dụng trái phép; trường hợp nặng có thể bị tịch thu một phần hay toàn bộ số vàng bạc này. Nếu phạm vào điều 4 thì sẽ bị phạt tiền bằng số từ 10% đến 20% số vốn kinh doanh và có thể bị đình chỉ kinh doanh có thời hạn hay vĩnh viễn.

3. Nếu phạm pháp nhiều lần, phạm pháp một cách nghiêm trọng thì có thể bị truy tố trước Tòa án.

Điều 9. Những người đã tố cáo và giúp đỡ cơ quan có trách nhiệm bắt được những vụ phạm pháp sẽ được thưởng từ 10% đến 30% số tiền phạt và từ 10% đến 30% số tiền bán vàng bạc tịch thu.

Điều 10. Việc xử lý những vụ phạm pháp về vàng bạc do Ngân hàng quốc gia Việt Nam phụ trách.

Điều 11. Những điều khoản về quản lý vàng bạc trong văn bản ban hành trước đây trái với nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 12. Ông Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam, các ông Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

[...]