BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 19/2022/TT-BYT
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 12 năm 2022
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT CỦA DỊCH VỤ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THUỘC
LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ Y TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật khám bệnh,
chữa bệnh số 40/2009/QH12;
Căn cứ Luật giá số
11/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật
số 61/2014/QH13 và Luật số 64/2020/QH14;
Căn cứ Nghị định
60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ
của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số
95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa
bệnh;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn
xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc
lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nội dung, nguyên tắc, cách
tính định mức kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ ngày - giường và kỹ thuật khám bệnh,
chữa bệnh (sau đây gọi tắt là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh).
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Định mức thuốc, vật tư cấy ghép, dụng cụ, vật liệu,
thuốc thử, chất hiệu chuẩn in vitro và các vật tư khác (sau đây gọi tắt là thuốc,
vật tư y tế) là lượng tiêu hao thuốc, vật tư y tế được sử dụng trực tiếp để thực
hiện 01 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
2. Định mức trang thiết bị là thời gian sử dụng cần
thiết đối với từng loại thiết bị được sử dụng trực tiếp để thực hiện 01 hoặc
nhiều dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong cùng một thời điểm.
3. Định mức lao động trực tiếp là mức tiêu hao về số
lượng người lao động, thời gian lao động cần thiết được sử dụng trực tiếp để thực
hiện 01 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 3. Nội dung và việc sử dụng
định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
1. Định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ khám bệnh,
chữa bệnh bao gồm:
a) Định mức lao động trực tiếp;
b) Định mức thuốc, vật tư y tế;
c) Định mức trang thiết bị (không bao gồm vật tư y
tế).
2. Định mức kinh tế - kỹ thuật được sử dụng làm căn
cứ để tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm:
a) Định mức lao động trực tiếp là căn cứ để tính
chi phí tiền lương;
b) Định mức thuốc, vật tư y tế là căn cứ để tính
chi phí trực tiếp;
c) Định mức trang thiết bị (không bao gồm vật tư y
tế) là căn cứ để tính chi phí khấu hao.
3. Các yếu tố hình thành giá không quy định định mức
kinh tế - kỹ thuật tại khoản 1 Điều này (như khấu hao cơ sở hạ tầng; bảo trì, bảo
dưỡng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; năng lượng, nhiên liệu; kiểm soát nhiễm
khuẩn; quản lý - điều hành) được xác định theo các phương pháp xây dựng giá
theo quy định của pháp luật về giá.
Điều 4. Nguyên tắc xây dựng, áp
dụng định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Định mức kinh tế-kỹ thuật được xây dựng trên cơ
sở khoa học, phù hợp với thực tiễn, theo nguyên tắc tính trung bình tiên tiến.
2. Định mức kinh tế - kỹ thuật không được sử dụng
làm căn cứ giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
đã thực hiện.
Chương II
CÁCH TÍNH ĐỊNH MỨC KINH
TẾ - KỸ THUẬT
Điều 5. Cách tính định mức lao
động trực tiếp
Định mức lao động trực tiếp được tính theo số lượng
người, số giờ và trình độ chuyên môn của người lao động cần thiết sử dụng trực
tiếp để thực hiện 01 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 6. Cách tính định mức thuốc,
vật tư y tế
1. Xác định danh mục, chủng loại thuốc, vật tư y tế
cần thiết sử dụng khi thực hiện mỗi dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đưa vào
tính định mức kinh tế - kỹ thuật. Những thuốc, vật tư y tế được sử dụng nhưng
không bao gồm trong định mức kinh tế - kỹ thuật sẽ được tính theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư này.
2. Xác định định mức về thuốc, vật tư y tế theo hướng
dẫn hoặc quy định của nhà sản xuất hoặc các quy định khác có liên quan.
3. Đối với thuốc, vật tư y tế mà 1 đơn vị số lượng
có thể sử dụng cho nhiều hơn 1 lượt dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (ví dụ đầu dò,
gel siêu âm, quần, áo, mũ của nhân viên), định mức được tính theo công thức
sau:
Định mức thuốc, vật tư y tế =
|
1
|
Số lượt kỹ thuật
hoặc số người bệnh sử dụng
|
4. Xác định tỷ lệ (%) hao hụt (nếu có).
Điều 7. Cách tính định mức
trang thiết bị
1. Xác định địa điểm thực hiện dịch vụ khám bệnh,
chữa bệnh (ví dụ phòng mổ, phòng tiểu phẫu, phòng xét nghiệm).
2. Thống kê trang thiết bị sử dụng để hoàn thành một
dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm trang thiết bị sử dụng trực tiếp trong kỹ
thuật và trang thiết bị dùng chung của phòng thực hiện kỹ thuật (như điều hòa,
đèn chiếu sáng).
3. Xác định định mức trang thiết bị bằng cách xác định
thời gian sử dụng cần thiết đối với từng loại trang thiết bị để thực hiện 01 hoặc
nhiều lượt, loại dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong cùng một thời điểm.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ
TRÁCH NHIỆM THI HÀNH
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm:
a) Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc giao
nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ
khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư này;
b) Chủ trì tổ chức thẩm định định mức kinh tế - kỹ
thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được xây dựng theo quy định tại điểm a Khoản
này và trình Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật dịch
vụ khám bệnh, chữa bệnh;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn sơ kết, tổng kết, kiểm tra việc
thực hiện Thông tư này.
2. Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Cục Phòng, chống
HIV/AIDS chủ trì tổ chức xây dựng và thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch
vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lĩnh vực được phân công theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này và trình Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét,
phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
3. Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm:
a) Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc bố trí
kinh phí để thực hiện nhiệm vụ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật;
b) Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Quản
lý Y Dược cổ truyền, Cục Phòng, chống HIV/AIDS trong việc xây dựng, thẩm định định
mức kinh tế - kỹ thuật trước khi trình Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, phê duyệt.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15
tháng 02 năm 2023
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ trưởng Vụ
Kế hoạch - Tài chính, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục
trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các
tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc
tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để được hướng
dẫn hoặc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Xã hội của Quốc hội (để giám
sát);
- Văn phòng Chính phủ (Phòng Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, KCB, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Thuấn
|