Nghị định 36-CP năm 1995 về việc bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị

Số hiệu 36-CP
Ngày ban hành 29/05/1995
Ngày có hiệu lực 01/08/1995
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 1995

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 36-CP NGÀY 29 THÁNG 5 NĂM 1995 VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Ban hành kèm theo Nghị định này "Điều lệ an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị"; Quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

Điều 2.- Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và mọi cá nhân có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật an toàn giao thông đô thị.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy dịnh về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật an toàn giao thông đô thị.

Điều 3.- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia, giáo dục, động viên nhân dân và giám sát việc thi hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật an toàn giao thông đô thị.

Điều 4.-

1/ Mọi hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị phải được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật. Khi xử lý phải căn cứ vao lỗi của người vi phạm, không được phân biệt đối tượng là người đi bộ, người điều khiển phương tiên thô sơ hay cơ giới. Thực hiện mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Đối với phương tiện tham gia giao thông thuê người lái xe, cần phân biệt trách nhiệm của người lái và của chủ sở hưu phương tiện.

2/ Những người lợi dụng việc xẩy ra tai nạn mà xúi dục, gây sức ép, làm cản trở cho việc xử lý cũng bị xử lý theo pháp luật.

3/ Những người thi hành công vụ về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị như: tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, cấp giấy phép lái xe, giấy phép lưu hành, kiểm tra an toàn kỹ thuật, đăng ký phương tiện ... không làm tròn trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Chương 2:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

Điều 5.- Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải:

1/ Ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật các công trình giao thông đường bộ và các quy định sử dụng nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường bộ; định kỳ kiểm tra các công trình giao thông và thông báo kịp thời để người sử dụng được an toàn.

2/ Quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng kỹ thuật các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và cấp giấy phép lưu động theo định kỳ.

3/ Quy định điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục để cấp phép hành nghề cho các cơ sở kiểm tra kỹ thuật định kỳ đối với các phương tiện giao thông đường bộ.

4/ Quản lý việc đào tạo, cấp bằng, giấy phép lái xe cho những người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

5/ Tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra hệ thống thanh tra bảo vệ các công trình giao thông đường bộ trong toàn quốc. Xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với những vi phạm pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông đường bộ.

6/ Phối hợp với Bộ Nội vụ theo dõi, phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông để phổ biến cho mọi đối tượng trong xã hội.

7/ Chủ trì cùng với các Bộ liên quan soạn tài liệu và các văn bản về luật lệ giao thông để phổ biến cho mọi đối tượng trong xã hội.

8/ Chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ đặt biển báo, đèn tín hiệu, phân luồng, phân tuyến, chỗ qua đường, các điểm cấm dừng, cấm đỗ, được dừng, được đỗ trên đường bộ và đường đô thị.

9/ Chỉ đạo chặt chẽ cơ quan quản lý Nhà nước về chuyên ngành giao thông vận tải trong việc tiếp nhận, quản lý và tổ chức thực hiện những nhiệm vụ được chuyển giao từ Bộ Nội vụ về Bộ Giao thông vận tải, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của chủ phương tiện.

Điều 6.- Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Nội vụ:

[...]