Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 02/1999/TT-BCA(C11) hướng dẫn Quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 02/1999/TT-BCA(C11)
Ngày ban hành 10/02/1999
Ngày có hiệu lực 10/02/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Thế Tiệm
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------

Số: 02/1999/TT-BCA(C11)

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 1999

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG

Ngày 26/9/1998 Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 75/1998/NĐ-CP, Nghị định số 76/1998/NĐ-CP, Nghị định số 77/1998/NĐ-CP, Nghị định số 78/1998/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995, Nghị định số 39/CP ngày 5/7/1996, Nghị định số 40/CP ngày 5/7/1996, Nghị định số 49/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị. Để thống nhất thực hiện, Bộ Công an hướng dẫn như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Về hiệu lực của các Nghị định sửa đổi, bổ sung

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 75/1998/NĐ-CP Điều 2 của các Nghị định số 76/1998/NĐ-CP, Nghị định số 77/1998/NĐ-CP, Nghị định số 78/1998/NĐ-CP thì các Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 13/10/1998. Vì vậy:

- Đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính được quy định trong các Nghị định số 76/1998/NĐ-CP, Nghị định số 77/1998/NĐ-CP, Nghị định số 78/1998/NĐ-CP mà xảy ra trước ngày 13 tháng 10 năm 1998, sau đó mới phát hiện được nếu vẫn còn thời hiệu xử phạt thì áp dụng hình thức xử phạt theo quy định của các Nghị định mới ban hành.

- Đối với các nội dung, hành vi, mức phạt đã được quy định trong các Nghị định số 39/CP ngày 5/7/1996, số 40/CP ngày 5/7/1996, Nghị định số 49/CP ngày 26/7/1995 mà các Nghị định số 76/1998/NĐ-CP, Nghị định số 77/1998/NĐ-CP, Nghị định số 78/1998/NĐ-CP không sửa đổi, bổ sung thì vẫn thực hiện theo các quy định trước đây.

2. Các Nghị định số 76/1998/NĐ-CP, Nghị định số 77/1998/NĐ-CP, Nghị định số 78/1998/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi một số điều, khoản cụ thể trong các Nghị định số 39/CP, Nghị định số 40/CP, Nghị định số 49/CP mà không bãi bỏ các Nghị định này. Vì vậy, thống nhất khi lập biên bản, quyết định xử phạt hoặc sử dụng các biểu mẫu khác, người lập biên bản, ra quyết định trong khi xử phạt phải ghi rõ hành vi vi phạm đó được quy định ở điểm … khoản … Điều … của một trong các Nghị định số 39/CP, Nghị định số 40/CP, Nghị định số 49/CP được sửa đổi, bổ sung ngày 26 tháng 9 năm 1998.

3. Về việc kiểm soát giao thông:

- Đối với các trạm giao thông đường thủy vẫn thực hiện như quy định trong Nghị định số 40/CP và Nghị định số 77/1998/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/CP.

- Các trạm kiểm soát giao thông trên tuyến đường bộ đã có quyết định thành lập trước khi Nghị định số 75/1998/NĐ-CP ban hành thì vẫn thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định trong các quyết định thành lập.

- Các hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21/1998/CT-TTg ngày 24/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. Hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995 và Nghị định số 75/1998/NĐ-CP ngày 26/9/1998 của Chính phủ

1. Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân địa phương nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông mà người bị nạn chết (khoản 7 Điều 3 Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP đã được sửa đổi theo khoản 4 Điều 2 Nghị định số 75/1998/NĐ-CP). Sau khi các cơ quan có thẩm quyền làm các thủ tục pháp lý cần thiết và được sự đồng ý của các cơ quan này, UBND có trách nhiệm tổ chức chôn cất người bị tai nạn chết nếu người đó không có gia đình, cơ quan đến nhận về mai táng.

2. Về tín hiệu đèn, còi, màu sơn của các xe ưu tiên:

- Xe chữa cháy: xe sơn màu đỏ, được sử dụng còi ưu tiên, đèn quay trên nóc xe phát sáng màu đỏ;

- Các loại xe được ưu tiên khác của lực lượng công an:

+ Đối với xe dẫn đường, dẫn đoàn: Xe ô tô dẫn đường, dẫn đoàn của Công an phải có đủ đèn quay trên nóc xe phát sáng màu xanh – đỏ; được sử dụng cờ hiệu công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái và được sử dụng còi ưu tiên (âm lượng theo quy định). Xe mô tô của Công an dẫn đường đèn phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau, cờ hiệu Công an cắm ở phía trước đầu xe, có còi ưu tiên (âm lượng theo quy định).

+ Đối với xe ô tô, môtô của công an thi hành nhiệm vụ như xe tuần tra, kiểm soát giao thông, xe đi bắt, khám xét hoặc tiến hành các hoạt động điều tra, dẫn giải phạm nhân, xe giao liên, xe chống biểu tình, bạo loạn, giải tán đám đông, xe chở tài liệu mật, xe chở vũ khí, khí tài và các hoạt động khẩn cấp khác cần ưu tiên thì sử dụng tín hiệu còi ưu tiên (âm lượng theo quy định) hoặc có đèn quay trên nóc xe phát sáng màu xanh hoặc đỏ, hoặc có cờ hiệu Công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái xe.

- Xe cứu thương: đèn quay trên nóc xe phát sáng màu đỏ, trên thành xe có dấu chữ thập đỏ, được sử dụng còi ưu tiên theo quy định;

- Xe quân sự: Cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe phía bên phải người lái.

3. Về các loại giấy tờ cần yêu cầu người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ xuất trình. Theo quy định của điểm c Điều 29 Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP, được sửa đổi theo khoản 12 Điều 2 Nghị định số 75/1998/NĐ-CP, thì cảnh sát giao thông khi tiến hành kiểm tra cần yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình các loại giấy tờ sau:

- Giấy chứng nhận đăng ký xe;

- Giấy phép lái xe (nếu điều khiển xe quy định phải có giấy phép lái xe);

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu loại xe yêu cầu phải có).

Trong trường hợp xe đi vào đường cấm; xe chở quá khổ, quá tải… thì yêu cầu người điều khiển phương tiện phải xuất trình thêm loại giấy phép theo quy định.

[...]