Nghị định 32/CP năm 1996 Hướng dẫn Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão

Số hiệu 32/CP
Ngày ban hành 20/05/1996
Ngày có hiệu lực 20/05/1996
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32/CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 1996


NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 32/CP NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 1996 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, Chống lụt, bão ngày 8 tháng 3 năm 1993;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Lụt, bão nói trong Nghị định này bao gồm: lũ, ngập lụt, nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sạt lở đất (do mưa, lũ bão và sóng biển gây ra).

Đối với mưa úng nội đồng, vùng gió xoáy dưới cấp 6, các loại gió mùa không thuộc phạm vi quy định của Nghị định này.

Điều 2.- Trong Nghị định này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lụt là hiện tượng nước ngập vượt quá mức bình thường.

2. Lũ là mức nước và tốc độ dòng chảy ở các sông, suối vượt quá mức bình thường.

3. Bão là luồng gió xoáy thuận nhiệt đới được phát sinh trên biển có sức gió từ cấp 8 đến cấp 11 (tốc độ gió từ 62 km đến 117 km/giờ).

4. Bão mạnh là luồng gió xoáy thuận nhiệt đới được phát sinh trên biển có sức gió từ cấp 12 trở lên (tốc độ gió từ 118 km/giờ trở lên).

5. áp thấp nhiệt đới là vùng gió xoáy phát sinh trên biển có sức gió từ cấp 6, cấp 7 (tốc độ gió từ 39 km đến 61 km/giờ).

6. Lốc là luồng gió xoáy có sức gió mạnh tương đương với sức gió của cơn bão nhưng được hình thành và tan trong thời gian ngắn với phạm vi hoạt động trong không gian hẹp từ vài km đến vài chục km.

7. Nước biển dâng là hiện tượng mực nước biển dâng cao hơn mực nước triều bình thường do bão hoặc do các hiện tượng thiên tai khác gây nên.

8. Sạt lở đất là hiện tượng mái đất tự nhiên mất ổn định do mưa, lũ, bão hoặc sóng biển gây ra.

9. Công trình phòng, chống lụt, bão có tác dụng:

- Trực tiếp chống lại, hạn chế hoặc làm giảm nhẹ các tác động của lụt, bão.

- Phục vụ việc dự báo, cảnh báo, chỉ huy, chỉ đạo công tác phòng,

chống lụt, bão.

10. Công trình có liên quan đến công trình phòng, chống lụt, bão là công trình chuyên dùng được đặt trong phạm vi bảo vệ an toàn của công trình phòng, chống lụt, bão mà mỗi sự cố của công trình này đều có thể gây ra mất an toàn cho công trình phòng, chống lụt, bão.

Chương 2:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO

Điều 3.- Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả của lụt, bão trên phạm vi cả nước.

Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương có cơ quan thường trực đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm tổ chức phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các đề án về phòng, chống lụt, bão; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão; đề ra các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, phòng, chống lụt, bão.

Điều 4.- Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương do Thủ tướng Chính phủ quyết định, bổ nhiệm có trách nhiệm:

1. Giúp Chính phủ làm nhiệm vụ điều hành, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về phòng, chống lụt, bão.

[...]