CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
198-CP
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1994
|
NGHỊ ĐỊNH
198-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH
MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương 1:
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP
DỤNG HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Điều 1.
1- Các tổ
chức, cá nhân sau đây khi sử dụng lao động phải thực hiện giao kết hợp đồng lao
động:
a) Các doanh nghiệp Nhà nước,
doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn; hợp tác xã
(với người lao động không phải là xã viên), cá nhân và hộ gia đình có thuê lao
động;
b) Các cơ quan hành chính, sự
nghiệp, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội khác sử dụng lao động
không phải là công chức, viên chức Nhà nước;
c) Các tổ chức kinh tế thuộc lực
lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân sử dụng lao động không phải là sĩ
quan, hạ sĩ quan và chiến sĩ;
d) Các doanh nghiệp có vốn đầu
tư nước ngoài theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; các doanh nghiệp trong
khu chế xuất, khu công nghiệp; cá nhân, tổ chức, cơ quan nước ngoài hoặc tổ chức
quốc tế đóng tại Việt Nam;
e) Các doanh nghiệp, tổ chức và
cá nhân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng người lao động nước ngoài trừ
trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham
gia có quy định khác;
g) Các tổ chức, cá nhân sử dụng
lao động là người nghỉ hưu, người giúp việc gia đình, công chức, viên chức Nhà
nước làm những công việc mà Quy chế Công chức không cấm.
2- Các trường
hợp không áp dụng hợp đồng lao động theo Điều 4 của Bộ Luật Lao động được quy định
như sau:
a) Công chức, viên chức làm việc
trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước;
b) Người được Nhà nước bổ nhiệm
giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng trong doanh nghiệp nhà nước;
c) Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội
đồng nhân dân các cấp chuyên trách; người giữ các chức vụ trong cơ quan lập
pháp, hành pháp, tư pháp được Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc
cử ra theo nhiệm kỳ;
d) Sĩ quan, hạ sỹ quan và chiến
sỹ trong lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân;
e) Người làm việc trong một số
ngành nghề hoặc ở địa bàn đặc biệt thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ do Bộ Quốc
phòng, Bộ Nội vụ hướng dẫn, sau khi thoả thuận với Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội;
g) Người thuộc các đoàn thể nhân
dân, các tổ chức chính trị, xã hội khác, xã viên hợp tác xã, kể cả các cán bộ
chuyên trách công tác đảng, công đoàn, thanh niên trong các doanh nghiệp.
Chương 2:
HÌNH THỨC, NỘI DUNG, LOẠI
HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Điều 2.
Hình thức, nội dung, giao kết hợp đồng lao động theo các Điều 28, 29 của Bộ luật
Lao động được quy định như sau:
- Hợp đồng lao động ký kết bằng
văn bản phải theo bản hợp đồng lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ấn
hành và thống nhất quản lý.
- Hợp đồng lao động ký kết bằng
văn bản hay giao kết bằng miệng phải bảo đảm nội dung quy định tại Điều 29 của
Bộ Luật Lao động.
Trong trường hợp giao kết hợp đồng
bằng miệng nếu cần có người thứ ba chứng kiến thì do hai bên thoả thuận.
Điều 3.
Các loại hợp đồng lao động, theo Điều 27 của Bộ Lao động gồm:
1- Hợp đồng lao động không xác định
thời hạn là hợp đồng không ấn định trước thời hạn kết thúc trong bản hợp đồng
lao động.
Loại hợp đồng lao động không xác
định thời hạn được áp dụng cho những công việc có tính chất thường xuyên, ổn định
từ 1 năm trở lên.
2- Hợp đồng lao động xác định thời
hạn từ 1 năm đến 3 năm là loại hợp đồng được ấn định trước thời hạn 1 năm, 2
năm hoặc 3 năm trong bản hợp đồng lao động; loại hợp đồng này được áp dụng cho
những công việc đã xác định được thời hạn kết thúc.
3- Hợp đồng lao động theo mùa vụ
hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới 1 năm được áp dụng cho những
công việc có tính chất tạm thời mà thời gian hoàn thành trong một vài ngày, một
vài tháng đến dưới 1 năm hoặc để tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa
vụ quân sự, làm các nghĩa vụ công dân khác do pháp luật quy định, nghỉ theo chế
độ thai sản, người lao động bị tạm giữ, tạm giam hoặc các trường hợp tạm hoãn
thực hiện hợp đồng lao động khác do hai bên thoả thuận.
Chương 3:
GIAO KẾT, THAY ĐỔI, TẠM
HOÃN CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Điều 4. Giao
kết hợp đồng lao động theo Điều 30 và Điều 120 của Bộ luật Lao động được quy định
như sau:
1- Hợp đồng lao động được giao kết
trực tiếp giữa người lao động với người sử dụng lao động hoặc có thể được ký kết
giữa người sử dụng lao động với người được uỷ quyền hợp pháp thay mặt cho nhóm
người lao động. Trường hợp do người uỷ quyền hợp pháp ký kết phải kèm theo danh
sách họ tên, tuổi, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao
động. Hợp đồng lao động này có hiệu lực như ký kết với từng người và chỉ có thể
áp dụng trong các trường hợp sau: Người sử dụng lao động cần lao động để giải
quyết một công việc nhất định, theo mùa vụ mà thời hạn kết thúc dưới 1 năm hoặc
công việc xác định được thời gian kết thúc từ 1 năm đến 3 năm.
2- Người lao động
có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nếu có
khả năng thực hiện nhiều hợp đồng. Đối với hợp đồng lao động ký với người nghỉ
hưu, với đơn vị, cá nhân sử dụng dưới 10 lao động hoặc làm công việc có thời hạn
dưới 3 tháng thì các quyền lợi của người lao động được tính gộp vào tiền lương
(tiền công).
3- Đối với ngành nghề và công việc
được nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc theo quy định tại Điều 120 của Bộ
Luật Lao động, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải có sự đồng ý bằng văn bản
của cha mẹ hoặc người đỡ đầu của người đó mới có giá trị.
Điều 5. Người
sử dụng lao động và người lao động thoả thuận về việc làm thử theo Điều 32 của
Bộ luật lao động được quy định như sau:
1- Thời gian thử việc không được
quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật
bậc đại học và trên đại học.
2- Thời gian thử việc không được
quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ trung cấp, công
nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
3- Thời gian thử việc không quá
6 ngày đối với những lao động khác.
4- Hết thời gian thử việc nói tại
Khoản 1, 2, 3 trên, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo kết quả thử
việc cho người lao động nếu đạt yêu cầu hoặc người lao động không được thông
báo mà vẫn tiếp tục làm việc thì người đó đương nhiên được làm việc chính thức,
hai bên phải tiến hành giao kết hợp đồng lao động.
Điều 6. Hiệu
lực và việc thay đổi nội dung hợp đồng lao động theo Điều 33 của Bộ Luật lao động
được quy định như sau:
1- Hợp đồng lao động bằng văn bản
có hiệu lực từ ngày ký hoặc từ ngày do hai bên thoả thuận; hợp đồng lao động
giao kết bằng miệng có hiệu lực từ ngày người lao động bắt đầu làm việc.
2- Trong quá trình thực hiện hợp
đồng lao động nếu một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng mà bên kia
không chấp thuận thì hợp đồng lao động đã giao kết tiếp tục được thực hiện hoặc
hai bên cũng có thể chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại các Điều 37,
38 của Bộ Luật lao động.
Điều 7. Việc
tạm thời chuyển người lao động làm việc khác trái nghề theo Điều 34 của Bộ Luật
lao động được quy định như sau:
1- Khi người sử dụng lao động gặp
khó khăn đột xuất trong công tác, trong sản xuất kinh doanh do khắc phục hậu quả
thiên tai, hoả hoạn; do áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp, do sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất - kinh
doanh thì người sử dụng lao động có quyền tạm thời chuyển người lao động làm việc
khác trái nghề, nhưng không được quá 60 ngày (cộng dồn) trong một năm. Trong thời
hạn này, nếu người lao động không chấp hành quyết định của người sử dụng lao động
thì không được hưởng lương ngừng việc theo quy định tại Khoản 2 Điều 62 của Bộ
Luật lao động và có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 84 của Bộ Luật
lao động.
2- Trong trường hợp người sử dụng
lao động tạm thời chuyển người lao động làm việc khác trái nghề quá 60 ngày (cộng
dồn) trong một năm thì phải có sự thoả thuận của người lao động; nếu người lao
động không chấp thuận mà họ phải ngừng việc thì người đó được hưởng lương theo
quy định tại Khoản 1 Điều 62 của Bộ Luật lao động.
Điều 8. Tạm
hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo Điều 35 của Bộ Luật lao động được quy định
như sau:
1- Các trường hợp tạm hoãn thực
hiện hợp đồng lao động do hai bên thoả thuận bao gồm:
a) Người lao động xin đi học ở
trong hoặc ngoài nước.
b) Người lao động xin đi làm việc
có thời hạn cho tổ chức, cơ quan, cá nhân ở trong nước hoặc ngoài nước.
c) Người lao động được chuyển
làm cán bộ chuyên trách trong các hội đồng của doanh nghiệp Nhà nước.
d) Người lao động xin nghỉ không
hưởng tiền lương để giải quyết những công việc khác của bản thân.
2- Hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng
lao động trong các trường hợp quy định tại điểm a, c, Khoản 1 Điều 35 của Bộ Luật
lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc; người sử dụng lao động
có trách nhiệm sắp xếp việc làm cho người lao động, nếu người lao động đến đơn
vị để làm việc đúng thời hạn quy định mà phải nghỉ chờ việc thì được hưởng
lương theo quy định tại Khoản 1 Điều 62 của Bộ Luật lao động.
Trường hợp người lao động đã quá
7 ngày, kể từ ngày hết hạn tạm hoãn hợp đồng lao động không đến địa điểm làm việc
mà không có lý do chính đáng, thì được xử lý theo quy định tại điểm c Khoản 1
Điều 85 của Bộ Luật lao động.
3- Người lao động bị tạm giữ, tạm
giam khi hết thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động được giải quyết như sau:
a) Việc tạm giữ, tạm giam có
liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động:
- Khi hết hạn tạm giữ, tạm giam
hoặc khi Toà án xét xử kết luận là người lao động bị oan thì người sử dụng lao
động phải nhận họ trở lại làm việc cũ, trả đủ tiền lương và các quyền lợi khác
trong thời gian lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định tại Nghị định số
197-CP ngày 31-12-1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một
số Điều của Bộ Luật lao động về tiền lương.
- Trường hợp, đương sự là người
phạm pháp, nhưng Toà án xét xử cho miễn tố không bị tù giam hoặc không bị Toà
án cấm làm công việc cũ, thì tuỳ theo tính chất sai phạm, người sử dụng lao động
bố trí cho người đó làm việc cũ hoặc sắp xếp công việc mới.
b) Trong trường hợp người lao động
bị tạm giữ, tạm giam không liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động thì khi hết
thời hạn tạm giữ, tạm giam, người sử dụng lao động bố trí cho người đó làm việc
cũ hoặc sắp xếp công việc mới.
Điều 9. Người
lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải bồi thường phí đào tạo nghề
theo Khoản 3 Điều 41 của Bộ Luật lao động.
Điều 10. Trợ
cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 42 của Bộ Luật lao động:
1- Người lao động
được trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại các Điều
36, 37, 38 hoặc Khoản 1 Điều 41 của Bộ Luật lao động thì người sử dụng lao động
có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc trong thời gian người lao động đã làm việc
cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân.
Trường hợp,
chấm dứt quan hệ lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 17, Khoản 2 Điều 41,
điểm a và diểm b Khoản 1 Điều 85 và Điều 145 của Bộ Luật Lao động, thì người
lao động không được trợ cấp thôi việc.
2- Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp
thôi việc:
a) Đối với doanh nghiệp, được hạch
toán vào giá thành hoặc phí lưu thông.
b) Đối với cơ quan, tổ chức, cá
nhân không phải là doanh nghiệp thì tự lo nguồn kinh phí.
3- Thời gian làm việc để tính trợ
cấp thôi việc:
a) Thời gian làm việc để tính trợ
cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm theo các bản hợp đồng lao động đã giao kết,
kể cả hợp đồng giao kết bằng miệng mà người lao động thực tế làm việc cho người
sử dụng lao động đó.
b) Người lao động trước đây đã
là công nhân viên chức Nhà nước nay vẫn làm việc ở đơn vị cũ thì thời gian làm
việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc ở đơn vị đó.
c) Trường hợp người lao động trước
khi làm việc cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, mà đã có thời gian làm việc ở
các đơn vị khác thuộc khu vực Nhà nước, thì các đơn vị này có trách nhiệm trả
trợ cấp thôi việc trong thời gian người lao động đã làm việc tại đơn vị. Khoản
tiền này được chuyển theo thông báo của đơn vị mà người lao động đang làm việc
để đơn vị cũ trả cho người lao động. Trường hợp đơn vị cũ đã giải thể hoặc thực
sự khó khăn về tài chính thì khoản trợ cấp thôi việc do ngân sách Nhà nước chi
trả.
d) Ngoài thời gian nói trên, nếu
có những thời gian sau đây cũng được tính là thời gian làm việc cho người sử dụng
lao động:
- Thời gian thử việc hoặc tập sự
tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức (nếu có);
- Thời gian doanh nghiệp, cơ
quan, tổ chức nâng cao trình độ nghề nghiệp hoặc cử đi đào tạo nghề cho người
lao động;
- Thời gian người lao động nghỉ
theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ngơi theo Bộ Luật Lao động quy định;
- Thời gian chờ việc khi hết hạn
tạm hoãn hợp động lao động hoặc người lao động phải ngừng việc có hưởng lương;
- Thời gian học nghề, tập nghề tại
doanh nghiệp;
- Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp
đồng lao động quy định tại Điều 35 của Bộ Luật Lao động, thì do hai bên thoả
thuận;
- Thời gian bị xử lý sai về kỷ
luật sa thải hoặc về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Thời gian người lao động bị tạm
đình chỉ công việc theo quy định tại Điều 92 của Bộ Luật Lao động.
4- Mức lương cộng phụ cấp lương
(nếu có) để tính trợ cấp thôi việc theo quy định tại Nghị định số 197-CP ngày
31-12-1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của
Bộ Luật Lao động về tiền lương.
5- Thời gian làm việc đối với những
tháng lẻ được tính như sau:
- Từ 1 tháng đến dưới 7 tháng được
tính bằng 6 tháng làm việc;
- Từ đủ 7 tháng đến 12 tháng được
tính bằng 1 năm làm việc.
6- Người lao động được trả trợ cấp
thôi việc theo mức quy định tại Khoản 1 Điều 42 của Bộ Luật Lao động, được trả
trực tiếp, một lần, tại nơi làm việc và đúng thời hạn theo quy định tại Điều 43
của Bộ Luật lao động.
Điều 11. Trách
nhiệm của mỗi bên khi chấm dứt hợp động lao động theo Điều 43 của Bộ luật lao động.
Thời hạn thanh toán các khoản có
liên quan đến quyền lợi của mỗi bên được thực hiện theo quy định tại Điều 43 của
Bộ luật lao động.
Đối với các trường hợp đặc biệt
sau: trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động đã làm việc trong nhiều doanh
nghiệp được quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 10 Nghị định này; doanh nghiệp chấm
dứt hoạt động hoặc một trong hai bên gặp thiên tai, hoả hoạn mà phải thanh toán
các khoản trợ cấp thôi việc, bồi thường và khoản nợ khác thì việc thực hiện
thanh toán không được kéo dài quá 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Những
hợp đồng lao động đã giao kết trước ngày Bộ Luật lao động có hiệu lực, nếu nội
dung không phù hợp với Bộ luật lao động thì phải sửa đổi, bổ sung; những điều
khoản nào có lợi hơn cho người lao động so với quy định của Bộ Luật lao động
thì vẫn được tiếp tục thi hành. Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động phải thực
hiện chậm nhất trong vòng 6 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi
hành; nếu quá thời hạn trên, thì các hợp đồng lao động đã giao kết trước ngày 1
tháng 1 năm 1995 đương nhiên phải tuân theo các quy định của Bộ luật lao động
và của Nghị định này.
Công nhân,
viên chức thuộc lực lượng thường xuyên trong các doanh nghiệp Nhà nước chuyển
sang giao kết theo hợp động lao động không xác định thời hạn.
Điều 13. Nghị
định này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 và bãi bỏ Nghị định số 165-HĐBT
ngày 12-5-1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp
đồng lao động và các văn bản khác của Chính phủ về hợp đồng lao động.
Điều 14. Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành
Nghị định này.