Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 133-HĐBT năm 1992 Hướng dẫn Luật Báo chí do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 133-HĐBT
Ngày ban hành 20/04/1992
Ngày có hiệu lực 20/04/1992
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 133-HĐBT

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 1992

 

NGHỊ ĐỊNH

CUẢ HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 133-HĐBT NGÀY 20-4-1992 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT BÁO CHÍ 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Luật báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin và thể thao,

NGHỊ ĐỊNH:

Qui định chi tiết thi hành Luật báo chí:

1 - Bảo đảm quyền tư do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

2 - Tổ chức báo chí và nhà báo.

3 - Quản lý Nhà nước về báo chí.

4 - Khen thưởng và xử lý vi phạm.

I. BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ, TỰ DO NGÔN LUẬN TRÊN BÁO CHÍ CỦA CÔNG DÂN.

Điều 1. - Trách nhiệm của cơ quan báo chí:

1. Các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương bao gồm báo chí in, đài phát thanh, đài truyền hình, cơ sở thực hiện chương trình nghe nhìn thời sự (đưới đây viết tắt là "cơ quan báo chí"), có trách nhiệm thực hiện quyền tự do báo chí và bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Báo chí có trách nhiệm tiếp nhận và đăng trên báo hoặc phát trên sóng phát thanh, truyền hình (dưới đây viết tắt là đăng, phát) kiến nghị, ý kiến phê bình, tin, bài, ảnh và các tác phẩm báo chí khác của công dân có nội dung phù hợp với tôn chỉ, mục đích, đối tượng, định hướng thông tin và không vi phạm Điều 10 của Luật báo chí và những quy định cụ thể trong Điều 4 của Nghị định này. Nếu không đăng, phát thì trong thời hạn không quá một tháng cơ quan báo chí phải trả lời và nói rõ lý do.

3. Khi nhận được trả lời của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan trả lời ý kiến, kiến nghị, phê bình thì cơ quan báo chí có trách nhiệm thông báo cho công dân hoặc đăng, phát trên báo chí trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận được (đối với báo xuất bản hàng ngày và đài phát thanh truyền hình) hoặc đăng trên số báo, tạp chí ra tiếp gần nhất (đối với báo chí không xuất bản hàng ngày).

Điều 2. - Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội.

Khi nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí, trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được, người đứng đầu cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội hữu quan phải thông báo cho cơ quan báo chí biết việc giải quyết.

Điều 3. - Cải chính trên báo chí.

Khi cơ quan báo chí tự phát hiện, hoặc nhận được kết kuận của cơ quan có thẩm quyền về việc báo chí đã đăng, phát tin, bài có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, thì trong thời hạn 5 ngày (đối với báo xuất bản hàng ngày, đài phát thanh, truyền hình) hoặc trong số báo, tạp chí ra tiếp gần nhất (đối với báo chí không xuất bản hàng ngày), cơ quan báo chí phải xin lỗi bằng văn bản hoặc đăng, phát trên báo chí lời cải chính của cơ quan báo chí hoặc tổ chức, công dân.

Lời cải chính phải đăng, phát đúng vị trí của tin, bài đã in, chương trình đã phát có nội dung sai sự thật, xuyên tạc hoặc vu khống. Đối với kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoặc lời cải chính của tổ chức, công dân thì cơ quan báo chí không được xen lời bình luận, giải thích. Nếu có điều gì không nhất trí thì cơ quan báo chí có bài viết riêng, nói rõ lý do.

Trường hợp báo chí xuất bản hàng tháng hoặc hai, ba tháng một kỳ mà thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự của tổ chức, công dân, thì ngoài việc phải cải chính hoặc xin lỗi trên báo chí đó, còn phải thông qua một tờ báo xuất bản hàng ngày hoặc qua đài phát thanh, truyền hình để đăng, phát lời cải chính, lời xin lỗi và phải chịu phí tổn.

Trường hợp đã cải chính, xin lỗi nhưng vì những thông tin xuyên tạc, vu khống gây hậu quả nghiêm trọng thì tổ chức và công dân bị xúc phạm danh dự có quyền kiện trước toà án.

Điều 4. - Những điều không được thông tin trên báo chí.

Ngoài những điều chung mà Điều 10 Luật báo chí đã nêu, nay quy định cụ thể thêm:

1. Báo chí không được đăng, phát những tin, bài trái pháp luật. Báo chí có quyền nêu kiến nghị, nhưng không được đăng, phát những tin, bài có nội dung kích động chống đối, cản trở việc thực hiện các văn bản pháp luật hiện hành.

2. Việc sử dụng các văn kiện của Đảng và Nhà nước chưa được công bố, tài liệu nội bộ của các tổ chức phải được các tổ chức, hoặc người có trách nhiệm trả lời đồng ý bằng văn bản thì mới được đưa tin, khai thác trước khi đăng, phát.

3. Báo chí không được đưa tin, bài có hại đến chính sách đoàn kết toàn dân, tạo ra dư luận xấu. Khen ngợi, phê phán phải có cứ liệu chính xác, và phải chịu trách nhiệm về những thông tin của mình.

4. Tin, bài viết về các vụ án và hành vi gây tội ác không được miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn. Không được đăng, phát tranh ảnh gây cảm giác kích dâm (trừ những tranh ảnh phù hợp với tôn chi mục đích của cơ quan báo chí).

[...]