Nghị định 186-HĐBT năm 1982 về Điều lệ phát hành báo chí do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 186-HĐBT
Ngày ban hành 09/11/1982
Ngày có hiệu lực 09/11/1982
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 186-HĐBT

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 1982

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 186-HĐBT NGÀY 9 - 11 - 1982 VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ PHÁT HÀNH BÁO CHÍ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4 - 7 - 1981;
Căn cứ nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện.

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo nghị định này Điều lệ phát hành báo chí.

Điều 2.- Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ này.

Điều 3.- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với nghị định này.

Điều 4.- Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng bộ trưởng, bộ trưởng các Bộ, chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ PHÁT HÀNH BÁO CHÍ
(Ban hành theo nghị định số 186-HĐBT ngày 9-11-1982 của Hội đồng Bộ trưởng).

Báo chí là công cụ tuyên truyền, giáo dục của Đảng và Nhà nước, là nhu cầu trong sinh hoạt tinh thần của nhân dân. Công tác phát hành báo chí là một công tác cách mạng, công tác vận động chính trị, có vị trí quan trọng trên mặt tư tưởng và văn hoá, góp phần phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những tư tưởng tiến bộ, những kiến thức khoa học và kỹ thuật. Báo chí cần được phát hành rộng khắp, đúng phương hướng, đúng đối tượng.

Điều lệ này xác định trách nhiệm, mối quan hệ giữa ngành bưu điện với cơ quan xuất bản, với các ngành và các cơ quan khác có liên quan, giữa ngành bưu điện với người đọc nhằm thống nhất quản lý việc phát hành, phục vụ tốt yêu cầu của người đọc.

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Công tác phát hành báo chí do Nhà nước tập trung, thống nhất tổ chức và quản lý theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa và chế độ hạch toán kinh tế.

Điều 2.- Đối với báo chí đã phát hành, không ai được đình chỉ lưu hành hoặc thu hồi, trừ trường hợp được pháp luật quy định.

Điều 3.- Báo chí trong thời gian bưu điện phát hành được coi là tài sản xã hội chủ nghĩa, mọi người có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ.

Chương 2:

TRÁCH NHIỆM CỦA NGÀNH BƯU ĐIỆN VÀ CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC PHÁT HÀNH BÁO CHÍ

Điều 4.- Trong công tác phát hành báo chí, ngành bưu điện có nhiệm vụ:

1. Giúp Hội đồng bộ trưởng thống nhất quản lý và tổ chức việc phát hành báo chí trong cả nước bao gồm tất cả các loại báo chí xuất bản trong nước (trừ các báo chí được phép lưu hành nội bộ ); tất cả các loại báo chí nước ngoài nhập khẩu in bằng tiếng Việt Nam và tiếng nước ngoài, phát hành rộng rãi hoặc phát hành trong phạm vi hẹp (bao gồm cả ấn phẩm phụ của báo chí xuất bản không định kỳ). Tổ chức hệ thống quản lý phát hành báo chí, cải tiến phương thức phát hành để đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí và phục vụ người đọc.

2. Nghiên cứu trình Hội đồng bộ trưởng quy định, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về phát hành báo chí.

3. Phối hợp với các ngành hữu quan xây dựng chỉ tiêu thời gian báo chí từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm số lượng phát hành của từng loại báo chí theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

4. Tổ chức nhận đặt mua, bán lẻ và chuyển phát báo đến người đọc, tăng cường cơ sở vật chất và các phương tiện cần thiết cho công tác phát hành báo chí.

5. Tuyên truyền, quảng cáo cho công tác phát hành báo chí và thông qua công tác phát hành thu thập dư luận của người đọc đối với công tác phát hành, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động trong việc mua, đọc báo chí.

[...]