Nghị định 13-CP năm 1992 ban hành bản Quy chế làm việc của Chính phủ

Số hiệu 13-CP
Ngày ban hành 01/12/1992
Ngày có hiệu lực 01/12/1992
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1992

 

NGHỊ ĐỊNH

CUẢ CHÍNH PHỦ SỐ 13-CP NGÀY 1-12-1992  VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA CHÍNH PHỦ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
Căn cứ biên bản hội nghị Chính phủ ngày 16 tháng 10 năm 1992,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy chế làm việc của Chính phủ.

Điều 2. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành và thay thế tất cả các văn bản trước đây của Chính phủ về quy chế làm việc của Chính phủ.

Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào quy chế này để xây dựng mới, hoặc sửa đổi quy chế làm việc của Bộ, Uỷ ban cho phù hợp.

Điều 4. Các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành bản Quy chế này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

LÀM VIỆC CUẢ CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 13-CP ngày 1 tháng 12 năm 1992)

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Văn bản này quy định chế độ làm việc của Chính phủ.

Chương 1:

QUY ĐỊNH VỀ PHẠM VI GIẢI QUYẾT CÁC CÔNG VIÊC

Điều 1. Chính phủ thảo luận và quyết định tập thể những vấn đề được quy định ở điều 19 của Luật Tổ chức Chính phủ và những vấn đề khác mà Thủ tướng thấy cần.

Hàng năm, tại phiên họp đánh giá kết quả thực hiện chương trình công tác, thông qua chương trình công tác năm sau, Chính phủ tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân mỗi thành viên Chính phủ.

Điều 2. Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm lãnh đạo, quản lý chung và toàn diện công tác của Chính phủ, các hoạt động đối nội và đối ngoại của Chính phủ, của các thành viên Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ, của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp. Thủ tướng Chính phủ giải quyết:

1. Những vấn đề được Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ quy định thuộc nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ, nhưng không do tập thể Chính phủ giải quyết; những vấn đề được Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

2. Những vấn đề quan trọng có tính liên ngành đã được các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ phối hợp xử lý nhưng ý kiến còn khác nhau.

3. Những vấn đề do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các đoàn thể nhân dân đề nghị vượt quá thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc giữa Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, người đứng đầu đoàn thể nhân dân ở Trung ương còn có ý kiến khác nhau.

4. Những vấn đề đột xuất hoặc mới phát sinh như thiên tai, địch hoạ... nhưng vượt quá thẩm quyền và khả năng của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Trong hoạt động của mình, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên giữ mối liên hệ giữa Chính phủ với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

Điều 3. Thủ tướng Chính phủ không trực tiếp chỉ đạo thường xuyên lĩnh vực công tác nào. Tuỳ từng thời gian, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo thực hiện những công tác lớn. Các Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng chỉ đạo từng lĩnh vực công tác của Chính phủ; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, thay mặt Thủ tướng và được sử dụng quyền hạn của Thủ tướng để giải quyết các việc được giao. Trong phạm vi công việc được phân công, Phó Thủ tướng có trách nhiệm và có quyền:

1. Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách, bao gồm việc xây dựng các dự thảo Luật, pháp lệnh, các chính sách kinh tế - xã hội cụ thể trình Chính phủ, Thủ tướng.

2. Kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thực hiện các quyết định của Chính phủ, các chủ trương, chính sách, luật pháp thuộc lĩnh vực mình phụ trách, phát hiện và đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Nếu phát hiện các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp ban hành văn bản hoặc làm những việc trái với quyết định của Chính phủ, luật pháp của Nhà nước thì thay mặt Thủ tướng quyết định đình chỉ việc thi hành văn bản đó và đề ra biện pháp xử lý.

[...]