Thông tư 18/2007/TT-BCA hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng đối với lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 18/2007/TT-BCA
Ngày ban hành 03/10/2007
Ngày có hiệu lực 05/11/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ CÔNG AN
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 18/2007/TT-BCA

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG CÔNG AN XÃ, BẢO VỆ DÂN PHỐ VÀ PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC

Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng;
Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/0/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 40/1999/NĐ-CP ngày 23/06/1999 của Chính phủ về Công an xã; Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/04/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố;
Sau khi thống nhất với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Công an hướng dẫn xét tặng danh hiệu thi đua đối với lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố và công tác thi đua, khen thưởng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như sau:

Phần 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

Thông tư này hướng dẫn thực hiện danh hiệu và tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu thi đua đối với cá nhân, tập thể Công an xã, thị trấn (không thuộc lực lượng Công an chính quy), Bảo vệ dân phố theo khoản 2, Điều 11, Nghị định số 121/2005/NĐ-CP của Chính phủ; quy định việc tổ chức phong trào thi đua, đối tượng, tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng; thẩm quyền, quyết định trao tặng, thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Lực lượng Công an chính quy, cán bộ, công nhân viên Công an không áp dụng khen thưởng theo Thông tư này.

II. NGUYÊN TẮC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

1. Nguyên tắc thi đua: Tự nguyện, tự giác, công khai; đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển. Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ chỉ tiêu đăng ký và kết quả thực hiện phong trào thi đua. Không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét, công nhận danh hiệu thi đua.

2. Nguyên tắc khen thưởng: Thực hiện khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội (sau đây viết tắt là an ninh, trật tự) đảm bảo chính xác, công khai, công bằng, kịp thời; căn cứ vào thành tích và mức độ phạm vi ảnh hưởng của thành tích để xét khen thưởng; thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó; một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng, riêng hình thức Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” mỗi đối tượng chỉ được tặng một lần; kết hợp động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất; khen thưởng các tập thể nhỏ và cá nhân là chính.

3. Những trường hợp không xét hoặc chưa xét khen thưởng

a) Không xem xét, bình bầu danh hiệu thi đua đối với những cá nhân nếu trong năm nghỉ làm việc quá 02 tháng (tính từ 40 ngày trở lên, không kể ngày nghỉ theo chế độ).

b) Không xem xét tặng hoặc đề nghị tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân đang bị kỷ luật, đang xem xét xử lý kỷ luật, xử lý theo pháp luật.

c) Chưa xét đề nghị tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có đơn thư khiếu nại, tố cáo hợp lệ hoặc có dư luận báo chí đưa tin về những sai phạm, tiêu cực chưa được kiểm tra, làm rõ.

Phần 2:

HÌNH THỨC, NỘI DUNG, DANH HIỆU VÀ TIÊU CHUẨN DANH HIỆU THI ĐUA

I. HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG THI ĐUA

1. Hình thức tổ chức, phạm vi thi đua

a) Bộ trưởng Bộ Công an phát động trên phạm vi toàn quốc phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm, tình hình từng giai đoạn, Bộ trưởng Bộ Công an có thể phát động phong trào thi đua theo các chuyên đề cụ thể về bảo vệ an ninh, trật tự.

b) Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phát động và xét khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các phong trào thi đua theo chuyên đề bảo vệ an ninh, trật tự phù hợp với hướng dẫn của Ủy ban nhân dân, Công an cấp trên và đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị.

2. Nội dung chủ yếu của phong trào thi đua: Vận động, tổ chức toàn dân tích cực, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự; tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ tài sản Nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản của nhân dân; tham gia xây dựng lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

3. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động thi đua

a) Căn cứ phong trào thi đua do cấp trên phát động, cơ quan, tổ chức, đơn vị có kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng, chỉ tiêu, khẩu hiệu và biện pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị mình;

b) Tổ chức phong trào thi đua gắn với lao động, sản xuất, học tập, công tác, chiến đấu và các phong trào thi đua khác; động viên, khích lệ mọi người tự giác, hăng hái thi đua thực hiện;

c) Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua;

d) Phát hiện, tuyên truyền, phổ biến để học tập, nhân rộng các mô hình, gương điển hình tiên tiến;

đ) Thực hiện tốt chính sách khen thưởng thi đua trong phạm vi thẩm quyền.

[...]