Thông tư 23/2011/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 42/2010/NĐ-CP về công tác thi đua, khen thưởng trong Công an nhân dân, Công an xã, Bảo vệ dân phố và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 23/2011/TT-BCA
Ngày ban hành 27/04/2011
Ngày có hiệu lực 15/06/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2011/TT-BCA

Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2011

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 42/2010/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 4 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN, CÔNG AN XÃ, BẢO VỆ DÂN PHỐ VÀ PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Công an xã ngày 21 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố;
Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về công tác thi đua, khen thưởng trong Công an nhân dân, Công an xã, bảo vệ dân phố và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như sau:

Phần 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng (sau đây viết tắt là Nghị định số 42/2010/NĐ-CP) bao gồm: đối tượng, danh hiệu, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; đối tượng, hình thức, tiêu chuẩn khen thưởng; thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; quỹ thi đua khen thưởng trong Công an nhân dân, Công an xã, Bảo vệ dân phố và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tập thể, cá nhân trong Công an nhân dân; Công an xã, Bảo vệ dân phố và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Điều 3. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng, căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng

1. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng và căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng được thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP.

2. Việc xét tặng danh hiệu thi đua thực hiện công khai, từ cơ sở trở lên, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, số lượng, tỷ lệ quy định.

3. Khen thưởng đảm bảo chính xác, chú trọng đơn vị cơ sở, đơn vị trực thuộc cơ sở, cá nhân trực tiếp công tác, chiến đấu.

Điều 4. Những trường hợp cụ thể được xem xét tặng danh hiệu thi đua

1. Đối tượng nữ nghỉ thai sản theo chế độ quy định của Nhà nước; những trường hợp bị thương khi làm nhiệm vụ cần phải nghỉ việc để điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ quan y tế.

2. Những trường hợp đi học, bồi dưỡng:

a) Cá nhân đi học, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 1 năm, nếu đạt kết quả từ loại khá trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì kết hợp với thời gian công tác tại đơn vị để bình xét danh hiệu thi đua.

b) Các trường hợp đi học từ 1 năm trở lên, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì năm đó được xếp tương đương danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.

3. Những trường hợp chuyển đơn vị công tác:

Cá nhân thuyên chuyển đơn vị công tác thì đơn vị mới có trách nhiệm xem xét, bình bầu danh hiệu thi đua trên cơ sở có ý kiến nhận xét của đơn vị cũ (đối với trường hợp thời gian công tác tại đơn vị cũ từ 6 tháng trở lên).

Điều 5. Những trường hợp không xét, chưa xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng

1. Những trường hợp không xét tặng danh hiệu thi đua:

a) Tập thể, cá nhân không đăng ký thi đua.

b) Các tập thể trong đơn vị trực thuộc cơ sở.

c) Đơn vị mới thành lập tính đến thời điểm tổng kết thi đua năm chưa đủ 12 tháng hoạt động.

d) Cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, cá nhân mới tuyển dụng dưới 10 tháng hoặc trong năm nghỉ quá 40 ngày làm việc (trừ những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này)

2. Những trường hợp không xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng:

Tập thể, cá nhân bị kỷ luật nhưng chưa hết thời hiệu xử lý kỷ luật.

[...]