Thông tư 24/2007/TT-BVHTT hướng dẫn về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú do Bộ Văn hoá thông tin ban hành

Số hiệu 24/2007/TT-BVHTT
Ngày ban hành 27/07/2007
Ngày có hiệu lực 12/09/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá và Thông tin
Người ký Lê Doãn Hợp
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA THÔNG TIN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 24/2007/TT-BVHTT

Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ XÉT TẶNG DANH HIỆU NGHỆ SĨ NHÂN DÂN, NGHỆ SĨ ƯU TÚ

 

Căn cứ Luật Thi đua - Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua- Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng;
Sau khi thống nhất với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn về việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú như sau:

I. Quy định chung

1. Phạm vi điều chỉnh :

a.Thông tư này hướng dẫn về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho đối tượng là: Công dân Việt Nam hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp tại Việt Nam.

b. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú chỉ phong tặng một lần cho một người.

2. Đối tượng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ :

a. Đối tượng biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp:

- Diễn viên, bao gồm : người diễn kịch hát truyền thống, kịch nói, nhạc kịch, kịch câm, phim điện ảnh và truyền hình, xiếc, múa rối, hát, múa, nhạc công, ngâm thơ và biểu diễn trực tiếp trước công chúng hoặc qua sóng phát thanh hay truyền hình.

- Đạo diễn, bao gồm: kịch hát truyền thống, kịch nói, nhạc kịch, kịch câm, xiếc, múa rối, ca múa nhạc, phim điện ảnh, phim truyền hình và sân khấu truyền thanh, truyền hình, Âm thanh trong điện ảnh, truyền hình, sân khấu và âm nhạc phát thanh.

- Biên đạo múa và người chỉ đạo nghệ thuật trực tiếp: kịch hát truyền thống, kịch nói, nhạc kịch, kịch câm và chương trình nghệ thuật tổng hợp ca múa nhạc, xiếc, tạp kỹ.

- Quay phim các thể loại : phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, phim truyện truyền hình.

- Họa sĩ bao gồm: Hoạ sĩ thiết kế trang trí và phục trang sân khấu, điện ảnh, truyền hình và xiếc, tạp kỹ, ca múa nhạc, tạo hình con rối, động tác phim hoạt hình

- Nhạc sĩ là người chỉ huy dàn nhạc, hợp xướng và giao hưởng.

- Phát thanh viên Phát thanh và Truyền hình hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

b. Đối tượng khác:

- Nghệ nhân hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp các bộ môn nghệ thuật truyền thống và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

- Nghệ sĩ thuộc đối tượng nêu tại tiết a, khoản 3 của Thông tư này, do yêu cầu và nhiệm vụ được điều động làm giảng dạy, làm quản lý đúng lĩnh vực nghệ thuật đó, nếu đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

3. Quyền lợi của người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ :

a. Được nhận Bằng chứng nhận và Huy hiệu Nghệ sĩ Nhân dân hoặc Nghệ sĩ Ưu tú của Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

b. Được tặng mức tiền thưởng theo quy định tại khoản 4 Điều 71 Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ xung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng, cụ thể với các mức sau:

- Nghệ sĩ Nhân dân, mức: 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng) hoặc hiện vật kỷ niệm có giá trị tương đương.

- Nghệ sĩ Ưu tú, mức: 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng) hoặc hiện vật kỷ niệm có giá trị tương đương.

II. Điều kiện xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ

Nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú phải đạt các điều kiện sau:

1. Bảo đảm đạt các tiêu chuẩn về Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú quy định tại Thông tư này.

[...]