Nghị định 1194-TTg năm 1956 về việc thành lập các Ban Thanh tra ở các liên khu, khu, thành phố và tỉnh do Thủ Tướng ban hành.

Số hiệu 1194-TTg
Ngày ban hành 26/12/1956
Ngày có hiệu lực 10/01/1957
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phan Kế Toại
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1194-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 1956 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP CÁC BAN THANH TRA Ở CÁC LIÊN KHU, KHU, THÀNH PHỐ VÀ TỈNH

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Sắc lệnh số 261-SL ngày 28-3-1956 thành lập Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hòa;
Theo đề nghị của Ban Thanh tra trung ương của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: - Để tăng cường kiểm tra việc chấp hành đường lối chính sách, mệnh lệnh của Chính phủ và để bảo hộ tài sản của Nhà nước, nay thành lập các Ban Thanh tra ở các liên khu, khu, thành phố và tỉnh.

Điều 2: - Ban Thanh tra liên khu, khu, thành phố và tỉnh có nhiệm vụ:

- Thường xuyên thanh tra việc chấp hành đường lối chính sách, mệnh lệnh của Chính phủ, việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và các chỉ thị nghị quyết của cấp trên và của Uỷ ban Hành chính cùng cấp.

- Thanh tra việc thi hành dân chủ và kỷ luật trong nội bộ các cơ quan, việc sử dụng, bảo quản tài sản của công.

-  Tiếp nhận và xem xét thư khiếu nại và tố cáo của nhân dân, của cán bộ, nhân viên các cơ quan giúp cho Uỷ ban Hành chính cùng cấp giải quyết hoặc báo cáo và đề nghị lên cấp trên giải quyết.

Điều 3: - Ban Thanh tra của liên khu, khu, thành phố và tỉnh tiến hành công tác thanh tra ở các cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban Hành chính cấp mình và các cơ quan chính quyền chuyên môn cấp dưới.

Điều 4: - Các Ban Thanh tra liên khu, khu, thành phố và tỉnh trong khi làm nhiệm vụ được sử dụng các quyền hạn như sau:

a) Được yêu cầu các cơ quan và cán bộ nhân viên nơi đang tiến hành thanh tra báo cáo tình hình và cung cấp tài liệu, sổ sách cần thiết cho việc thanh tra.

b) Được dự các cuộc hội nghị có quan hệ đến công tác thanh tra hoặc đề nghị triệu tập các cuộc hội nghị cần thiết cho việc thanh tra.

c) Trong khi thanh tra, nếu phát hiện những cán bộ phụ trách không chấp hành hay chấp hành sai những luật lệ, chỉ thị nghị quyết của Chính phủ hay của cấp trên thì trưởng ban, phó ban hay uỷ viên Ban Thanh tra có  thể trực tiếp yêu cầu họ chấp hành nghiêm chỉnh, hoặc báo cho cơ quan phụ trách đôn đốc họ chấp hành.

Đối với những quyết định, chỉ thị của cán bộ phụ trách một cơ quan không đúng với chính sách của Chính phủ thì trưởng ban, phó ban hay uỷ viên Ban Thanh tra có thể yêu cầu họ sửa chữa hoặc đề nghị cơ quan lãnh đạo cấp trên đôn đốc họ sửa chữa.

Nếu thấy chỉ thị, nghị quyết của cấp trên có những điểm không thích hợp với tình hình thực tế ở địa phương thời đề nghị lên cấp có thẩm quyền xét lại.

d) Trong trường hợp đặc biệt và khẩn cấp, Ban Thanh tra liên khu, khu, thành phố và tỉnh được đề nghị với cấp trên tạm đình chỉ những công tác mà kết quả đang gây hoặc có thể gây nhiều thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước và quyền lợi của nhân dân, hoặc đề nghị tạm đình chỉ công tác của một cán bộ nhân viên phạm những sai lầm lớn có thể gây nhiều tổn thất nếu cứ để họ tiếp tục công tác.

e) Đề nghị với Uỷ ban Hành chính cùng cấp hoặc cấp trên khen thưởng những cán bộ, nhân viên có nhiều thành tích trong công tác và đề nghị thi hành kỷ luật thích đáng đối với những người phạm lỗi.

Điều 5:  - Các Ban Thanh tra liên khu, khu, thành phố, tỉnh gồm có một Trưởng ban, một Phó ban và một số uỷ viên.

- Các Trưởng ban, Phó ban và uỷ viên Ban Thanh tra liên khu, khu, thành phố và các Trưởng ban, Phó ban thanh tra tỉnh đều do nghị định Thủ tướng phủ bổ nhiệm.

- Các uỷ viên Ban Thanh tra tỉnh chỉ do quyết định của Chủ tịch Uỷ ban Hành chính liên khu hoặc khu bổ nhiệm.

Điều 6: - Ban Thanh tra liên khu, khu, thành phố, tỉnh có một số cán bộ giúp việc. Cán bộ giúp việc của Ban Thanh tra cấp nào do nghị quyết của Uỷ ban Hành chính cùng cấp bổ nhiệm.

Điều 7: - Ban Thanh tra liên khu, khu, thành phố và tỉnh đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Uỷ ban Hành chính liên khu, khu, thành phố, tỉnh và chịu sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Ban Thanh tra cấp trên.

Điều 8: - Chi tiết thi hành nghị định này sẽ do Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ ấn định.

Điều 9: - Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ, Bộ Nội vụ và Uỷ ban Hành chính các liên khu, khu, thành phố và tỉnh chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

[...]