Thông tư 123-VP/TT năm 1957 giải thích và hướng dẫn Nghị định 1194-TTg về thành lập các Ban Thanh tra ở các liên khu, khu, thành phố và tỉnh do Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ ban hành

Số hiệu 123-VP/TT
Ngày ban hành 30/04/1957
Ngày có hiệu lực 15/05/1957
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Nguyễn Lương Bằng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN THANH TRA TRUNG ƯƠNG CỦA CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 123-VP/TT

Hà Nội, ngày 30 tháng 04 năm 1957 

 

THÔNG TƯ

 

VỀ VIỆC GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 1194-TTG NGÀY 26-12-1956 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THÀNH LẬP CÁC BAN THANH TRA Ở CÁC LIÊN KHU, KHU, THÀNH PHỐ VÀ TỈNH.

 

Để tăng cường kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách, mệnh lệnh của Chính phủ và để bảo vệ tài sản của Nhà nước, ngày 26-12-1956, Thủ tướng Chính phủ đã ra nghị định số 1194-TTg thành lập các Ban thanh tra ở các liên khu, khu, thành phố và tỉnh.

Để giúp các địa phương thi hành nghị định nói trên được kết quả tốt, Ban thanh tra Trung ương của Chính phủ giải thích và quy định thêm một số điểm cụ thể như sau:

I- NHIỆM VỤ CÁC BAN THANH TRA LIÊN KHU, KHU, THÀNH PHỐ VÀ TỈNH

A. - Điều 2 trong nghị định của Thủ tướng Chính phủ đã nói về nhiệm vụ các ban Thanh tra liên khu, khu, thành phố và tỉnh. Thực hiện những nhiệm vụ đó là nhằm giúp Uỷ ban Hành chính cùng cấp cũng như cơ quan được thanh tra hiểu rõ tình hình và kết quả việc chấp hành chủ trương, chính sách và các công tác lớn trong địa phương, trong ngành mình, tìm ra những thành tích, ưu điểm để phát huy và những sai lầm khuyết điểm để kịp thời khắc phục.

Để thấu suốt những nhiệm vụ đó, các Ban thanh tra cần lưu ý mấy điểm dưới đây:

1) Thanh tra việc chấp hành đường lối, chính sách, mệnh lệnh của Chính phủ và việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và của Ủy ban hành chính cùng cấp, không những chỉ là xem xét kết quả công việc cấp dưới đã làm mà còn phải xem xét cả bản thân những chỉ thị, nghị quyết của cấp trên đưa xuống có những điểm nào không cụ thể hoặc không thích hợp với địa phương để đề nghị cấp trên nghiên cứu sửa chữa. Do đó, trong quá trình thanh tra một vấn đề gì cần phải chú ý xem xét dư luận, phản ứng của quần chúng đối với các đường lối, chính sách của Chính phủ về vấn đề đó để kịp thời phản ánh với cấp trên.

2) Thanh tra việc thực hiện kế hoạch Nhà nước là nhằm giúp đỡ cho cơ quan được thanh tra nhận rõ ưu điểm, khuyết điểm trong công tác để có thể phát huy ưu điểm, sửa chữa các thiếu sót đặng hoàn thành tốt kế hoạch cho nên khi thanh tra phải căn cứ vào nhiệm vụ, chương trình của kế hoạch Nhà nước đã định cho cơ quan đó mà xem xét việc tổ chức, lãnh đạo thực hiện cũng như kết quả thực hiện kế hoạch.

3) Thanh tra việc thi hành dân chủ và kỷ luật trong nội bộ các cơ quan là để phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật, tăng cường đoàn kết nhất trí trong nội bộ các cơ quan, chống tác phong quan liêu, mệnh lệnh, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật. Muốn tìm hiểu ra ưu điểm, khuyết điểm trong vấn đề này chủ yếu phải dựa trên việc xem xét sự thực hiện các công tác hàng ngày của các cơ quan thì mới thấy được một cách chính xác.

4) Thanh tra việc sử dụng và bảo quản tài sản công cộng là nhằm chống lãng phí, tham ô, thực hiện chính sách tiết kiệm của Nhà nước. Đó là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác thanh tra, nhất là hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn khôi phục kinh tế, việc chống lãng phí, tham ô có được thực hiện một cách kiên quyết thì kế hoạch Nhà nước mới hoàn thành tốt được, cho nên vấn đề thanh tra việc sử dụng và bảo quản, tài sản công cộng cần phải được các cơ quan lãnh đạo và các Ban thanh tra các cấp đặc biệt chú ý.

5) Việc tiếp nhận, xem xét thư khiếu nại và tố cáo của nhân dân, của cán bộ, nhân viên các cơ quan không những là một việc cần thiết trong công tác thanh tra mà còn là một trách nhiệm lớn của cơ quan thanh tra trước nhân dân. Qua việc xem xét các thư khiếu nại và tố cáo của nhân dân, chúng ta cũng hiểu thêm một phần nào tình hình chấp hành đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước ở các cấp dưới. Các Ban thanh tra cần nghiên cứu kỹ các đơn từ nhận được, việc nào cần giao cho cơ quan khác giải quyết thì giao ngay và theo dõi việc giải quyết, việc nào cần đến tận nơi để xem xét thì làm cho kịp thời vì nếu để kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với nhân dân, làm giảm uy tín của chính quyền ta và cũng có việc nếu để kéo dài rất có thể xảy ra những hậu quả tai hại. Việc giải quyết đơn từ tiến hành được tốt sẽ làm cho nhân dân phấn khởi và thêm tin tưởng vào chế độ ta vì đây là vấn đề bảo đảm quyền tự do dân chủ  của nhân dân. Do đó, các Ban thanh tra cần luôn luôn coi trọng việc xem xét thư khiếu nại và tố cáo của nhân dân, của cán bộ, nhân viên các cơ quan.

B- Theo điều 3 trong nghị định của Thủ tướng Chính phủ: Các Ban thanh tra của liên khu, khu, thành phố và tỉnh tiến hành công tác thanh tra ở các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Hành chính cấp mình và các cơ quan chính quyền, chuyên môn cấp dưới, cụ thể:

1) Các Ban thanh tra của liên khu và khu, thanh tra công tác các cơ quan chuyên môn của liên khu và khu, các Ủy ban Hành chính và các cơ quan chuyên môn ở tỉnh, huyện, xã.

2) Ban thanh tra của thành phố tra công tác các cơ quan chuyên môn của thành phố, các Ủy ban Hành chính và các cơ quan chuyên môn ở quận, khu phố, xã.

3) Ban thanh tra của Khu tự trị thanh tra công tác các cơ quan chuyên môn của Khu Tự trị, các Ủy ban Hành chính và các cơ quan chuyên môn ở các cấp dưới.

4) Ban thanh tra của tỉnh thanh tra công tác các cơ quan chuyên môn của tỉnh, các Ủy ban Hành chính và các cơ quan chuyên môn ở huyện, xã.

Để tôn trọng nguyên tắc dân chủ tập trung đối vối các Ủy ban Hành chính các cấp, mỗi khi tới thanh tra công tác của Ủy ban Hành chính cấp dưới, các uỷ viên Ban thanh tra hoặc các cán bộ thanh tra của liên khu, khu, thành phố và tỉnh cần có giấy giới thiệu của Ủy ban Hành chính cùng cấp.

II. QUYỀN HẠN CÁC BAN THANH TRA LIÊN KHU, KHU, THÀNH PHỐ VÀ TỈNH

Điều 4 trong nghị định của Thủ tướng Chính phủ đã nói rõ những quyền hạn các Ban thanh tra được sử dụng trong khi làm nhiệm vụ. Ở đây chỉ nêu thêm một vài điểm chi tiết:

1) Vấn đề gặp gỡ cán bộ, nhân viên để tìm hiểu tình hình:

Vấn đề này có hai trường hợp: trường hợp thứ nhất là gặp những cán bộ, nhân viên am hiểu tình hình để nghe họ báo cáo. Trường hợp thứ hai là gặp những cán bộ, nhân viên có liên quan trực tiếp đến vấn đề mình tìm hiểu để yêu cầu họ trả lời những việc mình hỏi thêm.

2) Vấn đề xem xét tài liệu, sổ sách:

Vấn đề này cũng có hai trường  hợp: Trường hợp thứ nhất là xem xét những tài liệu, sổ sách có thể giúp thêm cho việc tìm hiểu tình hình chung như xem các biên bản hội nghị, các chỉ thị, nghị quyết cũ, v.v... Trường hợp thứ hai là xem xét những tài liệu, sổ sách mà trong khi thanh tra thấy có nghi vấn.

3) Vấn đề đề nghị tạm thời đình chỉ công tác của cán bộ, nhân viên phạm lỗi nặng:

Trong khi tiến hành thanh tra, nếu xét thấy thật cần thiết, Ban thanh tra được đề nghị với cấp trên tạm thời đình chỉ công tác của những cán bộ, nhân viên phạm những sai lầm lớn, có thể gây nhiều tổn thất nếu cứ để họ tiếp tục công tác. Việc này có liên quan đến uy tín của cán bộ, nhân viên nên chỉ trong trường hợp đặc biệt và khẩn cấp hãy làm và phải hết sức thận trọng để tránh những quan niệm không đúng đối với công tác và cơ quan thanh tra.

[...]