Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị định 109/2003/NĐ-CP về việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước

Số hiệu 109/2003/NĐ-CP
Ngày ban hành 23/09/2003
Ngày có hiệu lực 13/10/2003
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 109/2003/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2003

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 109/2003/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 9 NĂM 2003 VỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÁC VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 14 tháng 7 năm 1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 02 tháng 12 năm 1998; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 19 tháng 8 năm 1991;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản ngày 25 tháng 4 năm 1989;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đất ngập nước

Đất ngập nước quy định tại Nghị định này bao gồm những vùng đất ngập nước có hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học cao, có chức năng duy trì nguồn nước và cân bằng sinh thái, có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Nghị định này quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có các hoạt động trên các vùng đất ngập nước phải tuân thủ các quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước được quy định tại Nghị định này.

Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định khác với Nghị định này thì áp dụng theo quy định tại Điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo tồn các vùng đất ngập nước là các hoạt động khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt môi trường, hệ sinh thái đặc thù, có giá trị đa dạng sinh học cao nhằm cân bằng sinh thái, bảo vệ các giống, loài đang sinh sống, cư trú và phát triển trên các vùng đất ngập nước.

2. Phát triển bền vững các vùng đất ngập nước là các hoạt động sử dụng, khai thác hợp lý tiềm năng về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong giới hạn cho phép nhằm duy trì chức năng sinh thái và bảo vệ môi trường các vùng đất ngập nước.

3. Hệ sinh thái đặc thự là hệ thống các quần thể sinh vật mang tớnh đặc thự của vùng cùng sống và phát triển trong một môi trường nhất định, quan hệ tương tác với nhau và với môi trường đó.

4. Đa dạng sinh học cao là sự phong phú và đa dạng của sinh giới về nguồn gen, về giống, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên.

5. Công ước Ramsar là tên viết tắt của Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước, được ký năm 1971 tại thành phố Ramsar, Cộng hoà Iran (Việt Nam là thành viên của Công ước Ramsar từ ngày 20 tháng 01 năm 1989).

6. Khu Ramsar là vùng đất ngập nước có đủ điều kiện đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế được quy định trong Công ước Ramsar.

Điều 4. Nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước

Việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước phải tuân theo các nguyên tắc sau:

1. Bảo vệ nghiêm ngặt các vùng đất ngập nước được Nhà nước khoanh vùng cho mục đích bảo tồn.

2. Kết hợp sử dụng, khai thác với bảo tồn, ưu tiên bảo tồn đối với các vùng đất ngập nước có hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học cao, có chức năng duy trì nguồn nước và cân bằng sinh thái, có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia.

3. Tăng cường sự tham gia bảo tồn các vùng đất ngập nước của cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn và các khu vực lân cận.

Điều 5. Quản lý nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước

1. Nội dung quản lý nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước gồm:

[...]