Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 06/1998/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/HĐBT năm 1990 Hướng dẫn Luật Quốc tịch Việt Nam

Số hiệu 06/1998/NĐ-CP
Ngày ban hành 14/01/1998
Ngày có hiệu lực 29/01/1998
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Quyền dân sự

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 1 năm 1998

 

NGHỊ ĐỊNH

 

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 06/1998/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 1 NĂM 1998 SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 37/HĐBT NGÀY 5 THÁNG 2 NĂM 1990 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Điều 103 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 28 tháng 6 năm 1988;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi Điều 5 của Nghị định 37/HĐBT như sau:

Lý do chính đáng quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật Quốc tịch Việt Nam để công dân Việt Nam có thể được thôi quốc tịch Việt Nam là đang có quốc tịch của nước khác hoặc để nhập quốc tịch của nước khác.

Điều 2. Sửa đổi khoản 1 Điều 7 của Nghị định 37/HĐBT như sau:

Những người xin vào, xin thôi hoặc xin trở lại quốc tịch Việt Nam ở trong nước thì gửi đơn đến ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cư trú; ở nước ngoài thì gửi đơn đến Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước sở tại hoặc trực tiếp đến Bộ Tư pháp.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 của Nghị định 37/HĐBT như sau:

Kèm theo đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam, người xin thôi quốc tịch Việt Nam nói tại Điều 9 của Luật Quốc tịch Việt Nam phải nộp các giấy tờ sau đây:

a) Bản khai lý lịch;

b) Bản sao giấy khai sinh hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế.

Đối với trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước khác thì, ngoài các giấy tờ quy định tại các điểm a và b nói trên, phải nộp Giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài bảo đảm sẽ cho người đó nhập quốc tịch.

Đối với trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam do đang có quốc tịch nước ngoài, thì ngoài các giấy tờ quy định tại các điểm a, b nói trên, người xin thôi quốc tịch Việt Nam phải nộp bản sao Hộ chiếu (cần xuất trình bản chính Hộ chiếu để đối chiếu) hoặc các giấy tờ khác chứng minh quốc tịch nước ngoài của mình.

Đối với trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam cho cả con vị thành niên thì còn phải nộp bản sao Giấy khai sinh của các con vị thành niên.

Bộ Tư pháp quy định thống nhất mẫu đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam và giấy tờ nói ở điểm a, khoản 1 của Điều này, sau khi trao đổi với các cơ quan hữu quan.

Điều 4. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 8 của Nghị định 37/HĐBT như sau:

Giấy tờ do cơ quan hoặc tổ chức của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận phải được Cơ quan đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam hợp pháp hóa; giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 5. Sửa đổi Điều 12 của Nghị định 37/HĐBT như sau:

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ về các trường hợp xin vào, xin trở lại quốc tịch Việt Nam hoặc từ ngày lập xong hồ sơ về các trường hợp có thể bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam hay có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài hoặc ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hồ sơ ở địa phương mình) phải gửi hồ sơ về Bộ Tư pháp kèm theo nhận xét, kiến nghị đối với từng trường hợp cụ thể.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ về các trường hợp xin vào, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho vào hoặc tước quốc tịch Việt Nam. Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan hữu quan xem xét hồ sơ và làm thủ tục trình Chủ tịch nước quyết định.

Đối với những trường hợp được chấp thuận thì Bộ Tư pháp chuyển quyết định của Chủ tịch nước cho đương sự thông qua Cơ quan đại diện Ngoại giao hoặc Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam (nếu đương sự ở nước ngoài) và ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu đương sự ở trong nước). Nếu có sự thay đổi quốc tịch của trẻ em phù hợp với Điều 12 của Luật Quốc tịch Việt Nam thì tên của trẻ em đó được ghi kèm trong Quyết định của Chủ tịch nước. Trong trường hợp không rõ địa chỉ của đương sự, Quyết định của Chủ tịch nước tước quốc tịch Việt Nam được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đối với những trường hợp không được chấp thuận, ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thông báo lại cho đương sự biết.

Điều 6. Bổ sung Điều 12 a như sau:

Điều 12a.

1. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ xin thôi quốc tịch Việt Nam, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài phải gửi hồ sơ về Bộ Tư pháp kèm theo kiến nghị về việc giải quyết hồ sơ đó.

[...]