Kế hoạch hành động 506/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 do tỉnh Điện Biên ban hành

Số hiệu 506/KH-UBND
Ngày ban hành 26/02/2021
Ngày có hiệu lực 26/02/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Điện Biên
Người ký Lê Thành Đô
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 506/KH-UBND

Điện Biên, ngày 26 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 01/01/2021 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2021

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc năm 2021. Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ trên địa bàn tỉnh như sau:

I. Đánh giá tình hình

Trong những năm qua, việc triển khai, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia đã được các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, qua đó môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù là tỉnh miền núi, còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội nhưng trong những năm qua với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, môi trường kinh doanh của tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật như kết quả xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019 tăng 9 bậc (so với năm 2015) nằm trong nhóm các tỉnh có thứ hạng khá của cả nước; chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) tăng 36 bậc (so với năm 2015); một số chỉ tiêu quan trọng để đánh giá môi tnrờng kinh doanh như: khởi sự kinh doanh, thuế và BHXH, tiếp cận dịch vụ, đối xử công bằng giữa các thành phần kinh tế... đã được cải thiện rõ rệt qua hàng năm, qua đó đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp quốc gia.

Năm 2020, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của cả thế giới và trong nước. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các cấp, các ngành đã quyết liệt triển khai, thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cũng như những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là những nhóm chính sách hỗ trợ về tín dụng, tài khoá, đẩy mạnh triển khai giải ngân vốn đầu tư công... Qua đó, môi trường kinh doanh của tỉnh tiếp tục ổn định được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phát huy để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất, lánh doanh trên mọi lĩnh vực, ngành nghề góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

II. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Triển khai, phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Có kế thừa và phát huy các chỉ tiêu, nhiệm vụ và kết quả đã đạt được trong việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi tnrờng kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Kết hợp với việc thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh PCI tỉnh Điện Biên đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Nâng cao vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc phối hợp, trao đổi thông tin, phản ánh những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp với các ngành, các cấp để tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các đơn vị trong việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí thành phần có liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách của các đơn vị trong tỉnh.

III. Mục tiêu

Tiếp tục xây dựng chính quyền hành động nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động: giảm chi phí thời gian, chi phí đầu vào, cho doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp qua đó thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo.

Phấn đấu cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng từ 2 đến 3 bậc trong bảng xếp hạng toàn quốc so với năm 2020. Nâng cao năng lực cạnh tranh tạo thuận lợi, giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi các ngành kinh tế, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội.

IV. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

1. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Kế hoạch hành động số 1088/KH-UBND ngày 23/04/2019 và Kế hoạch hành động số 926/KH-UBND ngày 01/04/2020 của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và năm 2020. Trong đó tập trung vào cải thiện và nâng cao các nhóm chỉ số, chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể, gồm: (1) cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng); (2) Giải quyết tranh chấp hợp đồng, Giải quyết phá sản doanh nghiệp (Toà án nhân dân tỉnh); (3) Đăng ký tài sản, Chất lượng quản lý hành chính đất đai, Môi trường sinh thái bền vững (Sở Tài nguyên và Môi trường); (4) Ứng dụng công nghệ thông tin, Mức độ tham gia giao dịch trực tuyến (Sở Thông tin và Truyền thông); (5) Chất lượng đào tạo nghề, Cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội); (6) Kỹ năng của sinh viên (Sở Giáo dục và Đào tạo); (7) Đăng ký phát minh sáng chế (Sở Khoa học và Công nghệ); (8) Kiểm soát tham nhũng (Thanh tra tỉnh).

2. Tập trung khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo hướng: (i) Xác định rõ cơ quan, đầu mối chủ trì; (ii) Phân định minh bạch, cụ thể quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đầu mối và các cơ quan đơn vị phối hợp, cụ thể:

- Các Sở, ban, ngành được phân công làm đầu mối chủ trì, theo dõi các lĩnh vực căn cứ hướng dẫn của các Bộ, ban, ngành Trung ương để tham mưu đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp phục vụ cho việc cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mục tiêu và phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường.

- Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành thực hiện rà soát, tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ hiểu, dễ tra cứu và dễ tiếp cận.

3. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch số 1049/KH-UBND ngày 18/4/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Kế hoạch số 1905/KH-UBND ngày 02/07/2020 của UBND tỉnh về Triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, trong đó tập trung thực hiện:

- Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực với người dân (như các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội).

- Tiếp tục phối hợp với các ngân hàng, tổ chức trung gian và các đơn vị cung cấp dịch vụ để thực hiện thanh toán các dịch vụ bằng phương thức không dùng tiền mặt theo Kế hoạch số 1651/KH-UBND ngày 25/6/2018 của UBND tỉnh; đồng thời quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị 22/CT-TTg ngày 25/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai có hiệu quả Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày 22/7/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025.

- Ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục hành chính; Huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền điện tử; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước.

[...]