Kế hoạch hành động 51/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Số hiệu 51/KH-UBND
Ngày ban hành 11/03/2024
Ngày có hiệu lực 11/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lâm Văn Bi
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/KH-UBND

Cà Mau, ngày 11 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 05/01/2024 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 02/NQ- CP), Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện với những nội dung, cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau 5 năm 2021 - 2025. Từ đầu năm 2023, kinh tế trong nước dần phục hồi và chuyển biến tích cực.

2. Lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch từ đầu năm, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh năm 2023 của tỉnh, từng bước chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như:

- Tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết trên 3.800 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (tăng 21% về số lượng hồ sơ so với năm 2022), trong đó cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 597 doanh nghiệp thành lập mới (bằng 91% so với năm 2022), tổng vốn đăng ký là 3.052 tỷ đồng; cấp Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi trên 2.013 lượt hồ sơ; cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 371 chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh; giải thể 141 doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh 222 doanh nghiệp (bằng 97% so với cùng kỳ năm 2022). Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến (qua mạng) chiếm 91,4% trên tổng số hồ sơ phát sinh. Trong năm, đã xử lý, thu hồi 129 doanh nghiệp vi phạm Luật Doanh nghiệp (không hoạt động, không đăng ký tạm ngừng/giải thể), tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022.

- Thành lập mới 32 Hợp tác xã, giải thể 16 Hợp tác xã; hiện có 287 Hợp tác xã, 4.426 thành viên (trong đó đang hoạt động: 249 HTX, tạm ngưng hoạt động: 38 HTX); thành lập mới 01 Liên hiệp Hợp tác xã; hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 Liên hiệp Hợp tác xã; 988 Tổ hợp tác (tổng số: 11.586 thành viên).

- Năm 2023, thu hút được 15 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư là 698,69 tỷ đồng và 01 dự án FDI (Hàn Quốc), với tổng vốn đầu tư là 3,6 tỷ đồng, tương đương 150.000 USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 407 dự án đầu tư (ngoài KCN, KKT) với tổng vốn đầu tư 124.464,81 tỷ đồng; trong đó có 08 dự án FDI (từ Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Kenya) với tổng vốn đăng ký hơn 71,58 triệu USD.

- Kinh tế Cà Mau tiếp tục tăng trưởng khá, đạt 7,83%, đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thứ 16 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng, tăng 13% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,9% so cùng kỳ, thu ngân sách vượt 18,9% dự toán. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

- Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16/11/2023, đã tổ chức công bố vào ngày 09/12/2023; tổ chức thành công Festival Tôm Cà Mau lần thứ nhất năm 2023, với chủ đề “Festival Tôm Cà Mau - Tự hào thương hiệu Việt” và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng Sông Cửu Long; đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm của tỉnh như: Cầu sông Ông Đốc, tuyến tránh thành phố Cà Mau đưa vào khai thác và sử dụng phát huy hiệu quả vốn đầu tư công.

3. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn, hạn chế như:

Kim ngạch xuất khẩu giảm; thu hút đầu tư chưa đạt kết quả như mong muốn; phát triển doanh nghiệp giảm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn, thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu đơn hàng, khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, thị trường xuất khẩu; thiếu nguồn cung, nguyên vật liệu. Biến động giá cả thị trường, giá xăng dầu không ổn định, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy sản của người dân và doanh nghiệp; công tác hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyển đổi số tuy được lãnh đạo các cấp quan tâm chỉ đạo nhưng còn chậm, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu tổng quát

- Tập trung đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong hệ thống chính trị và nhân dân.

- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của tỉnh trên các bảng xếp hạng cả nước. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tập trung cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu cải thiện thứ hạng so với các năm trước.

b) Số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và hoạt động trở lại) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 dưới 5% so với năm 2023.

c) Triển khai thực hiện Kế hoạch số 283/KH-UBND ngày 22/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chuyển đổi số năm 2024; thực hiện cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện trực tuyến toàn trình và trực tuyến một phần, phấn đấu tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt trên 90% tổng số thủ tục phát sinh.

d) Nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tạo lập môi trường thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, lấy hoạt động khoa học - công nghệ làm động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

3. Yêu cầu

a) Bám sát và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ; Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 19/01/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

b) Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ động và tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này; coi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.

c) Thủ trưởng các đơn vị được giao là đầu mối, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp cải thiện các bộ, nhóm chỉ số theo hướng dẫn của các Bộ, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về đề xuất giải pháp và tổ chức triển khai thực hiện.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

[...]