Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 993/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động - Thương binh và xã hội giai đoạn 2021-2025” do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 993/KH-UBND
Ngày ban hành 11/03/2022
Ngày có hiệu lực 11/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Nguyễn Long Biên
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 993/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 11 tháng 03 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC THANH TRA NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025”

Căn cứ Quyết định số 212/QĐ-TTg ngày 16/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giai đoạn 2021-2025”.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

Hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa trang thiết bị nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; xây dựng đội ngũ công chức thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội “kỷ cương, liêm chính, đoàn kết, chuyên nghiệp”, thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, hội nhập khu vực ASEAN và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Hoàn thiện thể chế về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách và điều kiện đảm bảo hoạt động cho thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) 100% công chức tại cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo vị trí việc làm.

c) 100% cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được trang bị điều kiện làm việc phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước; trang cấp thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác thanh tra an toàn, vệ sinh lao động, điều tra tai nạn lao động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

d) 100% cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

1. Hoàn thiện quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách và điều kiện đảm bảo hoạt động cho công tác thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Tự kiểm tra, rà soát; đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức, hoạt động của thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Chủ động đề xuất, tham mưu xây dựng văn bản quy định thống nhất phương pháp và quy trình thanh tra, ứng dụng công nghệ thông tin trong lập và quản lý dữ liệu thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đảm bảo hoạt động của thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó đảm bảo việc sử dụng thiết bị chuyên dùng trong công tác thanh tra chuyên ngành an toàn, vệ sinh lao động và điều tra tai nạn lao động.

2. Kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

3. Nâng cao năng lực đội ngũ công chức thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm bảo đảm đội ngũ công chức có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và môi trường chuyển đổi số.

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thanh tra.

- Bố trí công chức thanh tra, nhất là thanh tra viên, phải được tham dự đầy đủ các Hội nghị cập nhật, chỉnh sửa chính sách pháp luật ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; tham dự đầy đủ các khóa tập huấn theo vị trí việc làm, do Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức; triển khai cụ thể các nội dung đã được tập huấn, đào tạo chuẩn hóa chương trình, tài liệu bồi dưỡng đã được hoàn thiện đến toàn thể đội ngũ công chức thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Đổi mới quy trình, phương pháp thanh tra chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Thực hiện thu thập thông tin đối tượng thanh tra trong giai đoạn chuẩn bị thanh tra; sử dụng bảng tự kiểm tra trong quá trình thanh tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra.

- Thực hiện cơ chế áp dụng thống nhất danh mục trang thiết bị chuyên dùng trong hoạt động điều tra tai nạn lao động và thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động.

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thanh tra theo chuyên đề hoặc theo ngành, lĩnh vực.

5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin:

- Nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để tạo lập cơ sở dữ liệu về tuân thủ pháp luật trong các lĩnh vực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

[...]