Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 97/KH-UBND triển khai thúc đẩy phát triển thương mại điện tử dựa trên nền tảng sàn thương mại điện tử năm 2022 do tỉnh Nam Định ban hành

Số hiệu 97/KH-UBND
Ngày ban hành 15/07/2022
Ngày có hiệu lực 15/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Trần Lê Đoài
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/KH-UBND

Nam Định, ngày 15 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ DỰA TRÊN NỀN TẢNG SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ NĂM 2022

Thực hiện Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số về việc ban hành Kế hoạch hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 41/KH-BCĐ ngày 31/5/2022 của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Nam Định về hoạt động của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Nam Định năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch triển khai thúc đẩy phát triển thương mại điện tử dựa trên nền tảng sàn thương mại điện tử năm 2022, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung về thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Nam Định dựa trên Nền tảng sàn thương mại điện tử theo Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số; Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 22/10/2021; Quyết định số 727/QĐ-UBND ngày 15/4/2022; Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 24/7/2020 của UBND tỉnh.

- Triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về mức độ phát triển thương mại điện tử, từng bước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, từng bước góp phần thúc đẩy phát triển xã hội số trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng thị trường, nâng cao uy tín của doanh nghiệp và lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử thông qua tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2. Yêu cầu

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động, tích cực phối hợp triển khai nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này.

- Các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại điện tử cần năng động, sáng tạo, tìm kiếm thị trường, nguồn lực cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh.

II. MỤC TIÊU

Triển khai thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Nam Định dựa trên Nền tảng sàn thương mại điện tử. Mục tiêu tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ chiếm tối thiểu 7%.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền, phổ biến về thương mại điện tử

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động thương mại điện tử cho cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp, nhân dân, qua đó từng bước tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia tích cực của các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào tiến trình thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

2. Đào tạo kỹ năng, hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân

- Tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng tham gia và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử để phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Vận động, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, tham gia các Sàn thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước.

3. Nâng cao năng lực công tác quản lý nhà nước

- Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử cho cán bộ, công chức phụ trách triển khai về thương mại điện tử.

- Phối hợp với Bộ Công thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) triển khai việc kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử để hỗ trợ phân phối, tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân. Triển khai áp dụng Nền tảng quản lý hoạt động thương mại theo hướng dẫn của Bộ Công thương. Tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

4. Hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử

- Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử trong nước và “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử quốc tế.

- Thúc đẩy thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử và trong hoạt động kinh doanh bán lẻ.

- Vận động các cơ sở, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia Sàn thương mại điện tử của tỉnh, các Thương mại điện tử có uy tín trong và ngoài nước (Postmart.vn, Voso.vn…).

[...]