Kế hoạch 95/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 95/KH-UBND
Ngày ban hành 30/06/2021
Ngày có hiệu lực 30/06/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 95/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 30 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 19/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như sau:

I. THỰC TRẠNG DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là nỗ lực của nhà nước, xã hội để mỗi thành viên gia đình chủ động, tự nguyện quyết định số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh nhằm bảo vệ sức khỏe, nuôi dạy con có trách nhiệm, phù hợp với chuẩn mực xã hội và điều kiện sống của gia đình và xã hội. Như vậy, kế hoạch hóa không những giúp người dân chủ động sinh con, tránh có thai ngoài ý muốn mà còn giúp giảm phá thai, giảm vô sinh, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em có liên quan đến thai sản, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, sự ủng hộ của mọi tầng lớp Nhân dân, công tác Dân số của tỉnh, trong đó có chương trình kế hoạch hóa gia đình đã được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực, cụ thể như: tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009 - 2019 của tỉnh là 0,89%, thấp hơn tỷ lệ tăng bình quân của cả nước (tăng 1,15%) và vùng đồng bằng sông Hồng (tăng 1,42%); nhu cầu về dịch vụ KHHGĐ của người dân cơ bản được đáp ứng, các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được quan tâm, ưu tiên hỗ trợ; mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ ngày càng được củng cố và phát triển; năng lực hệ thống cung ứng dịch vụ KHHGĐ cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chương trình; xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ từng bước được đẩy mạnh.... Những kết quả tích cực đó đã góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân trong tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay công tác dân số của tỉnh còn nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là mục tiêu giảm sinh trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Từ năm 2010 đến năm 2011: số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của tỉnh Ninh Bình thấp hơn so với mức sinh thay thế: năm 2010: 1,88 con; năm 2011: 1,86 con. Tuy nhiên từ năm 2012 đến nay mức sinh tăng trở lại, cao hơn so với mức sinh thay thế: năm 2012: 2,66 con và đến năm 2020 giảm xuống còn 2,42 con, cao hơn so với toàn quốc (2,09 con/phụ nữ) và đồng bằng sông Hồng là 2,35 con/phụ nữ.

Tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm nhẹ: năm 2016: 68,09%, năm 2017: 67,11%, năm 2018: 65,8%, năm 2019: 66,25%, năm 2020: 65,85%. Hằng năm, số người mới áp dụng các biện pháp tránh thai không đạt kế hoạch giao, năm 2016: đạt 96,1%; năm 2019 đạt: 80,7%; năm 2020: 95,1%. Tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại có xu hướng giảm: năm 2016: 65,36%; năm 2019: 63,35% và năm 2020: 63,28%.

Tỷ lệ sinh con thứ 3 hằng năm tăng: năm 2016: 18,35%, năm 2019: 29,25%, năm 2020: 30,43%.

Hiện nay, theo Báo cáo của Sở Y tế hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ trên địa bàn toàn tỉnh bao gồm: Tuyến tỉnh: 02 (Bệnh viện Sản Nhi và Khoa Sức khỏe sinh sản - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật); tuyến huyện: 08 Trung tâm y tế và 02 bệnh viện đa khoa huyện (Kim Sơn và Nho Quan); tuyến xã: 143 Trạm Y tế xã và các phòng khám khu vực. Trong đó số Trạm y tế xã có đầy đủ 6 phòng theo quy định của Hướng dẫn Quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản chiếm 39,3%; có đủ 4 phòng chiếm 42,1% và có dưới 4 phòng chiếm 14,5%. Về đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản của tỉnh: tuyến tỉnh, huyện: 01 bác sỹ chuyên khoa II Sản; 14 Ths/bác sỹ chuyên khoa I Sản; 31 bác sỹ chuyên khoa định hướng sản; 169 hộ sinh cao đẳng/đại học. Tuyến xã: Số xã có bác sỹ: 115; số xã có hộ sinh cao đẳng: 8; số xã có nữ hộ sinh/y sỹ sản nhi: 115.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện có chất lượng các dịch vụ KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

a) 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 67% năm 2025, đạt 70% năm 2030 và giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.

b) 80% cơ sở cung cấp dịch vụ KHHGĐ đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định (bao gồm cả khu vực ngoài công lập) vào năm 2025, đạt 90% năm 2030.

c) 100% xã, phường, thị trấn tiếp tục triển khai cung ứng các biện pháp tránh thai phi lâm sàng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố vào năm 2025 và duy trì năm 2030.

d) 8/8 huyện, thành phố có cơ sở y tế cung cấp dịch vụ KHHGĐ, thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

đ) 100% xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện KHHGĐ, sử dụng biện pháp tránh thai; hệ lụy của phá thai, nhất là đối với vị thành niên, thanh niên vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi

Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

2. Đối tượng

- Đối tượng thụ hưởng: nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chú trọng vị thành niên, thanh niên và người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp.

- Đối tượng tác động: người dân trong toàn xã hội; ban ngành đoàn thể; cán bộ y tế, dân số; tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện cơ chế chính sách

a) Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy định của tỉnh; chỉ đạo thực hiện tốt hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ (theo hướng dẫn của Trung ương).

[...]