Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 222/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 222/KH-UBND
Ngày ban hành 14/11/2021
Ngày có hiệu lực 14/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 222/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 14 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 19/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Củng cố phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Kế hoạch) như sau:

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH VÀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH KẾ HOẠCH

I. SỰ CẦN THIẾT

KHHGĐ là nỗ lực của nhà nước, xã hội để mỗi cá nhân, vợ chồng chủ động, tự nguyện quyết định số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh nhằm bảo vệ sức khỏe, nuôi dạy con có trách nhiệm, phù hợp với chuẩn mực xã hội và điều kiện sống của gia đình. Như vậy, KHHGĐ không chỉ giúp người dân chủ động sinh con, tránh có thai ngoài ý muốn mà còn giúp giảm phá thai, giảm vô sinh, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em có liên quan đến thai sản, cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trong những năm qua chương trình KHHGĐ của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực từ việc sinh đẻ mang tính tự nhiên, bản năng sang việc sinh đẻ có tính chủ động, có kế hoạch; từ việc sinh nhiều con, chất lượng thấp sang việc sinh ít con, chất lượng ngày càng cao; số con trung bình một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 2,38 con/phụ nữ (năm 2015) xuống còn 2,13 con/phụ nữ (năm 2019); quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi trong xã hội, chất lượng cung ứng dịch vụ KHHGĐ ngày càng được nâng cao và được triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh.

Tuy nhiên, chương trình KHHGĐ của tỉnh còn phải đối mặt với nhiều thách thức như: mức sinh chưa ổn định, chưa đạt mức sinh thay thế và có nguy cơ tăng sinh trở lại; mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao so với mức bình quân của cả nước; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng gia tăng, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) chiếm 49,33% dân số nữ trong toàn tỉnh chiếm 24,12% tổng dân số của tỉnh (năm 2019), tình trạng tảo hôn gia tăng, khó kiểm soát: năm 2017 có 95 cặp tảo hôn trong tổng số 6.169 cặp kết hôn (chiếm 1,54%) đến năm 2019 có 136 cặp tảo hôn trong tổng số 5.521 cặp kết hôn (chiếm 2,46%) dẫn đến tình trạng mang thai, phá thai và sinh đẻ ở vị thành niên gia tăng nên đã ảnh hưởng đến việc cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và hạnh phúc của các gia đình.

Bên cạnh đó việc xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của từng nhóm đối tượng. Các phương tiện tránh thai xã hội hóa và tiếp thị xã hội chưa đa dạng nên chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân...

Với những thách thức trên, việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch này là cần thiết, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phương tiện tránh thai, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ có chất lượng, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Lạng Sơn.

II. THỰC TRẠNG DỊCH VỤ KHHGĐ

1. Kết quả đạt được

Trong những năm qua công tác dân số - KHHGĐ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp thường xuyên của các cơ quan liên quan từ tỉnh đến cơ sở, cùng với sự nỗ lực của đội ngũ làm công tác dân số các cấp đã góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Số con bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 2,38 con/phụ nữ (năm 2015) xuống còn 2,13 con/phụ nữ (năm 2019) được duy trì. Tỷ suất sinh thô giảm từ 16‰ năm 2009 xuống còn 14,8‰ năm 2019. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm đạt ở mức từ 68 - 75% (năm 2020 đạt 69,2%) các chỉ tiêu về số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch do trung ương, tỉnh giao. Với kết quả đạt được như trên trong thời gian qua đã góp phần vào sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước cải thiện sức khỏe của phụ nữ và trẻ em, ngăn ngừa tử vong có liên quan đến thai sản của bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ được củng cố và phát triển, phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ cũng được đổi mới, thực hiện đa dạng hóa các biện pháp tránh thai và việc cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ, tạo cơ hội thuận tiện cho người dân lựa chọn sử dụng phù hợp. Việc triển khai tiếp thị xã hội, xã hội hóa các phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản đã góp phần chuyển đổi hành vi của người dân từ nhận miễn phí chuyển sang tự chi trả chi phí phương tiện tránh thai.

Mạng lưới y tế công lập tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung tâm y tế huyện, thành phố và 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đã cơ bản đáp ứng về dịch vụ KHHGĐ. Ngoài ra, hệ thống y tế ngoài công lập phát triển giúp người dân thuận tiện trong việc lựa chọn các phương tiện tránh thai phù hợp, chăm sóc sức khỏe sinh sản góp phần tích cực vào sự nghiệp dân số - KHHGĐ của tỉnh.

2. Hạn chế

- Nhu cầu về dịch vụ KHHGĐ của người dân ngày càng cao trong khi chất lượng dịch vụ thực hiện KHHGĐ hiện nay còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ thực hiện dịch vụ KHHGĐ tại trạm y tế chưa được thường xuyên, kịp thời.

- Cơ chế thực hiện KHHGĐ có sự thay đổi, chỉ tiêu miễn phí dịch vụ KHHGĐ giảm, một bộ phận Nhân dân còn có tư tưởng được miễn phí các phương tiện tránh thai và thực hiện dịch vụ KHHGĐ. Công tác truyền thông, tiếp thị xã hội, xã hội hóa phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Kiến thức, kỹ năng tư vấn chăm sóc khách hàng của lực lượng cung cấp dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu; sản phẩm hàng hóa phương tiện tránh thai qua kênh tiếp thị xã hội, xã hội hóa chưa phong phú, đa dạng chủng loại, mẫu mã nên chưa đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân.

- Khả năng tiếp cận và thực hiện dịch vụ KHHGĐ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Tiếp thị xã hội về sàng lọc phát hiện ung thư vú và ung thư cổ tử cung chưa được thực hiện rộng rãi; chưa nắm bắt được nhu cầu sử dụng dịch vụ của vị thành niên, thanh niên, người chưa kết hôn; chưa quản lý được tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nhất là ở vị thành niên, thanh niên.

3. Nguyên nhân của hạn chế

- Công tác truyền thông, vận động đáp ứng dịch vụ KHHGĐ chưa đáp ứng yêu cầu, chưa làm thay đổi được nhận thức của người dân trước những thách thức của tình hình dân số hiện nay.

- Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016 - 2020; Thông tư số 26/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định do nguồn ngân sách địa phương phải đảm bảo cho công tác dân số như mua phương tiện tránh thai; thuốc và vật tư tiêu hao, phụ cấp thủ thuật các biện pháp tránh thai... Tuy nhiên, nguồn ngân sách địa phương trong những năm qua không cấp cho các hoạt động này, dẫn đến việc thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng giảm do đó là một phần nguyên nhân làm tăng tỷ lệ sinh con thứ 3.

- Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 07/10/2015 của liên Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hạn chế đáng kể phạm vi cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại y tế cơ sở. Theo quy định, hộ sinh trung học và cao đẳng không được thực hiện các kỹ thuật KHHGĐ, mặc dù từ trước tới nay, hộ sinh trung cấp thực hiện 100% khối lượng công việc cung cấp các dịch vụ KHHGĐ như: đặt, tháo dụng cụ tử cung và cung cấp thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai tại tuyến y tế cơ sở.

- Cơ chế thực hiện KHHGĐ có sự thay đổi, chỉ tiêu miễn phí dịch vụ KHHGĐ giảm đã tác động ảnh hưởng đến tâm lý người sử dụng. Đối tượng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm sức khỏe sinh sản, phương tiện tránh thai xã hội hóa chưa nhiều.

4. Bài học kinh nghiệm

- Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ chế đáp ứng dịch vụ KHHGĐ, thường xuyên củng cố nâng cao kỹ năng đáp ứng dịch vụ cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là tuyến xã; quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng dịch vụ tại cơ sở.

- Nhu cầu dịch vụ KHHGĐ của người dân ngày phong phú, đa dạng và đòi hỏi chất lượng dịch vụ ngày càng cao, do đó hệ thống cung ứng dịch vụ KHHGĐ cần phải đảm bảo đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu đa dạng, chất lượng cao, dễ tiếp cận, chi phí phù hợp cho từng nhóm đối tượng.

[...]