Kế hoạch 9490/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 9490/KH-UBND
Ngày ban hành 10/08/2021
Ngày có hiệu lực 10/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Phi
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9490/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 10 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 16/CT-TTG NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐẢM BẢO VIỆC LÀM BỀN VỮNG, NÂNG CAO MỨC SỐNG, CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC CỦA CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm thực hiện hiệu quả các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho công nhân lao động trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

2. Yêu cầu

a) Công tác đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động được xác định là nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, địa phương và sự phối hợp thực hiện của các tổ chức chính trị-xã hội.

b) Các sở, ban, ngành, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm được giao và chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện; tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, chủ động giải quyết theo thẩm quyền; báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết các nội dung vượt thẩm quyền; đề xuất các giải pháp mới hiệu quả, khả thi bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân lao động.

2. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP...) theo các điều khoản Việt Nam đã ký kết; tham gia sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quyền và điều kiện lao động giúp công nhân lao động được thụ hưởng các quyền và điều kiện lao động ngày càng tốt hơn.

3. Quy hoạch, bố trí, huy động nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ lao động sản xuất, đời sống, sinh hoạt, học tập, giải trí của công nhân, lao động và gia đình. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại nơi ở và nơi làm việc của công nhân. Có biện pháp ngăn ngừa công nhân lao động tham gia các hoạt động đi vay, cho vay, đòi nợ liên quan đến “tín dụng đen”, đề xuất các chính sách tín dụng vi mô hỗ trợ công nhân lao động.

4. Chủ động xây dựng, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định, đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở, thiết chế văn hóa - thể thao cho công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm của tỉnh. Tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

5. Xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động các khu công nghiệp, cụm công nghiệp kể cả chuyên gia và lao động chất lượng cao.

6. Tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, giúp công nhân lao động và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm.

7. Tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; đề nghị bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.

8. Tổ chức triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả, nhằm thực hiện mục tiêu tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, tạo việc làm tốt hơn cho người lao động, giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

9. Đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của công nhân lao động. Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất các nội dung chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực trên. Nắm bắt các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch COVID-19 để đề nghị bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động.

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, tổ chức triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả; tham gia hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động làm cơ sở cho kết nối cung cầu lao động bảo đảm cung ứng lao động phù hp với nhu cầu của doanh nghiệp, kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho công nhân lao động theo yêu cầu, đồng thời giúp định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên cơ sở nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

c) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công nhân lao động.

d) Triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; gắn kết và huy động doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho công nhân lao động.

đ) Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và tham mưu triển khai thực hiện bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân lao động để hỗ trợ thích ứng, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong và sau dịch COVID-19.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo ngành giáo dục hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động.

[...]