Kế hoạch 94/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua Ngân hàng đối với dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Số hiệu 94/KH-UBND
Ngày ban hành 05/04/2019
Ngày có hiệu lực 05/04/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Tạ Văn Long
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/KH-UBND

Yên Bái, ngày 05 tháng 4 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH THANH TOÁN QUA NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI CÁC DỊCH VỤ CÔNG: THUẾ, ĐIỆN, NƯỚC, HỌC PHÍ, VIỆN PHÍ VÀ CHI TRẢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua Ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thanh toán các khoản Thuế, tiền điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các Chương trình an sinh xã hội tại tỉnh Yên Bái để nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nhằm góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, tạo cơ sở cho việc áp dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các sở, ban ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập, các địa phương để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Tạo sự chuyển biến về thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, làm thay đổi dần tập quán sử dụng tiền mặt trong thanh toán đối với tổ chức, cá nhân, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt; Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế.

2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Yên Bái đạt được các mục tiêu chủ yếu sau:

a) Đối với dịch vụ thu ngân sách: 80% giao dịch nộp thuế của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và các cá nhân trong tỉnh được thực hiện qua ngân hàng; 80% Kho bạc Nhà nước từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng để phục vụ cho việc thu ngân sách nhà nước.

b) Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện: Phấn đấu 70% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

c) Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước: Phấn đấu 70% khách hàng là các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp thanh toán qua ngân hàng; Phấn đấu 30% cá nhân, hộ gia đình ở thành phố Yên Bái, trung tâm các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng.

d) Đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí: 100% trường cao đẳng, các trung tâm đào tạo trong tỉnh chấp nhận thanh toán tiền học phí qua ngân hàng và 80% số sinh viên tại các trường cao đẳng, các trung tâm đào tạo nộp học phí qua ngân hàng.

đ) Đối với dịch vụ thanh toán viện phí: phấn đấu 50% bệnh viện tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng.

e) Đối với dịch vụ chi trả an sinh xã hội: Phấn đấu 20% số tiền chi trả an sinh xã hội tại địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn huyện được thực hiện qua ngân hàng. Riêng đối với 02 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải phấn đấu 10% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.

f) Đối với dịch vụ thanh toán tiền cước viễn thông: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thanh toán trả tiền cước điện thoại qua tài khoản ngân hàng.

II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Quán triệt và chỉ đạo Triển khai thực hiện đầy đủ, nhanh chóng và có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018, của các Bộ ngành, Trung ương và các văn bản pháp lý, các cơ chế chính sách mới về thanh toán qua ngân hàng.

2. Triển khai đồng bộ các chính sách về thanh toán qua ngân hàng cung ứng dịch vụ đảm bảo đồng bộ.

a) Cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại;

b) Đẩy mạnh phát triển mạng lưới hệ thống ngân hàng và các dịch vụ thanh toán, ứng dụng hệ thống thanh toán bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện kết nối, giao dịch thanh toán qua ngân hàng các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội qua ngân hàng;

c) Triển khai đồng bộ các quy định về cơ chế thu, trả phí đối với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội;

d) Nâng cao hiệu quả và mở rộng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, nhất là tại các trung tâm huyện, thị vùng nông thôn. Áp dụng các phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và Nhân dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa sử dụng và thực hiện giao dịch.

3. Triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức mới, hiện đại phục vụ thanh toán, chuyển tiền hiện đại qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh.

a) Tiếp tục mở rộng thêm hình thức, phương thức mới, hiện đại phục vụ thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội;

b) Áp dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thuận lợi cho khách hàng trong thu, nộp thuế, thanh toán hóa đơn định kỳ (điện, nước, học phí,...) viện phí, chi trả lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; có thể áp dụng đối với những đối tượng khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng;

[...]