Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 92/KH-UBND năm 2021 về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 92/KH-UBND
Ngày ban hành 24/03/2021
Ngày có hiệu lực 24/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phạm Thiện Nghĩa
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 24 tháng 03 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; Nghị quyết số 1033-NQ/BCSĐ ngày 20/4/2020 của Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 19/QĐ-BNN-KH ngày 04/01/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, nội dung cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu

- Giai đoạn 2017 - 2020: Tổ chức được 226 lớp, với 5.873 lao động nông thôn được đào tạo. Trong đó: đào tạo nghề nông nghiệp tập trung trong các lĩnh vực như: trồng trọt 148 lớp (chiếm 65%); chăn nuôi 43 lớp (chiếm 19%); thủy sản 32 lớp (chiếm 14%) và lĩnh vực khác 03 lớp (chiếm 0,2%).

- Đánh giá kết quả sau đào tạo giai đoạn 2017 - 2020: có 5.746/5.873 lao động tham gia học nghề được cấp chứng chỉ (đạt 97,84%); tỷ lệ lao động có việc làm hoặc tự tạo việc làm sau tham gia học nghề là 5.688 lao động (đạt tỷ lệ 96,85%). Đạt và vượt so với kế hoạch (có ít nhất 80% lao động sau đào tạo nghề có việc làm ổn định).

 (Xem Phụ lục 1 kèm theo)

- Bên cạnh đó, các ngành tỉnh tổ chức 12 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 437 giáo viên giảng dạy nghề nông nghiệp và cán bộ làm công tác quản lý dạy nghề tại địa phương. Nhờ vậy, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tại địa phương được cập nhật, bổ sung kịp thời kiến thức về kinh tế nông nghiệp và kỹ năng dạy nghề theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

2. Đánh giá chung

2.1. Những mặt được

- Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nên công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn Tỉnh được nâng lên cả về số lượng và chất lượng.

- Qua học nghề, lao động nông thôn nắm bắt được những kiến thức, kỹ thuật mới từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Sau học nghề lao động học nghề áp dụng có hiệu quả những kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào thực tế sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

- Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề được địa phương quan tâm, lồng ghép triển khai thực hiện thông qua hội thảo, hội nghị, sinh hoạt định kỳ của các tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở. Địa phương thường xuyên cập nhật, báo cáo tiến độ tình hình thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn, nhằm kịp thời đôn đốc, nhắc nhở thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra hàng năm.

- Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện định kỳ hàng năm, qua đó đánh giá tình hình triển khai thực hiện và kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề.

2.2. Khó khăn, vướng mắc

- Đào tạo nghề nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua tập trung nhiều vào đào tạo kỹ thuật sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, chế biến và bảo quản nông sản còn hạn chế.

- Công tác rà soát nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp ở một số địa phương còn lúng túng, triển khai chậm, chưa gắn với quy hoạch, kế hoạch, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. Do vậy, vẫn còn tình trạng người lao động có việc làm không đúng với nghề được đào tạo.

- Công tác theo dõi, đánh giá sau học nghề của cơ sở đào tạo nghề và địa phương chưa chặt chẽ nên việc đánh giá hiệu quả đào tạo nghề còn nhiều hạn chế. Các cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn chưa có sự phối hợp gắn kết với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm. Kết thúc khóa học người nông dân không có vốn để mở rộng sản xuất.

- Việc tiếp cận nguồn vốn vay sau khi được học nghề để đầu tư, mở rộng sản xuất gặp nhiều khó khăn nên nhiều lao động sau khi học xong không có điều kiện đầu tư vào sản xuất và chăn nuôi theo mô hình sản xuất hàng hóa, vì vậy chưa thực sự phát huy hiệu quả từ việc học nghề.

II. KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

1. Quan điểm

- Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn thực hiện quá trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn; nghề về quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

- Phát huy vai trò quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên cơ sở phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn của Tỉnh và địa phương trong định hướng, tổ chức thực hiện, tăng cường kiểm tra giám sát đào tạo nghề nông nghiệp. Nâng cao vai trò của các cơ sở đào tạo nghề trong việc xác định danh mục nghề, xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu chung

Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, nông nghiệp hữu cơ, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ở nông thôn, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đào tạo đảm bảo chất lượng và hiệu quả, sau khi học xong ít nhất có 80% lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập.

3. Chỉ tiêu cụ thể

Giai đoạn 2021 - 2025: Đào tạo nghề cho khoảng 9.107 lao động nông thôn (bình quân đào tạo khoảng 1.821 lao động/năm); góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 79%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề là 57% và tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội đến năm 2025 đạt 40%1 (Phụ lục 2).

[...]