Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 19/QĐ-BNN-KH năm 2021 về Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP

Số hiệu 19/QĐ-BNN-KH
Ngày ban hành 04/01/2021
Ngày có hiệu lực 04/01/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Xuân Cường
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/QĐ-BNN-KH

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 01/01/2021 CỦA CHÍNH PHỦ

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;

Căn cứ Nghị quyết số 1244-NQ/BCSĐ ngày 04/01/2021 của Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và PTNT (bao gồm kế hoạch kịch bản tăng trưởng năm 2021 của ngành Nông nghiệp) thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT;
- Đảng ủy Bộ NN&PTNT;
- Đảng ủy Khối CS Bộ tại TP. HCM;
- VP BCS Đảng Bộ;
- Công đoàn Ngành NN&PTNT;
- Đoàn TNCS HCM Bộ NN& PTNT;
- Website Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, KH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Xuân Cường

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 01/01/2021 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 19/QĐ-BNN-KH ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Ngày 01 tháng 01 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ- CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Để kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết với các nội dung chủ yếu sau:

I. BỐI CẢNH TÌNH HÌNH

Năm 2020 là năm khu vực nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy. Cùng với đại dịch Covid-19, thiên tai khốc liệt dị thường; dịch bệnh nguy hiểm cấp độ khu vực và toàn cầu nguy cơ bùng nổ, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh nông nghiệp (dịch tả lợn châu Phi, sâu keo mùa thu, châu chấu sa mạc, bệnh khảm lá sắn); nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành và địa phương, sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân, khu vực nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, có sự chuyển biến rõ nét hơn trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại ngành gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; góp phần vào tăng trưởng chung cả nước, bảo đảm an sinh xã hội; trong đó, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, như: xây dựng nông thôn mới cả nước có 5.506 xã, chiếm 62% số xã và 173 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 41,25 tỷ USD; chất lượng tăng trưởng được cải thiện.

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; năm đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của cả nước và ngành. Ngành Nông nghiệp và PTNT có nhiều cơ hội, nhưng đang đứng trước những thách thức mới: Chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm còn thấp, nên năng lực cạnh tranh của ngành còn hạn chế; thị trường tiêu thụ chịu tác động chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, nhất là đối với tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, dịch tả lợn Châu Phi cần thời gian dài để xử lý và ảnh hưởng đến sản xuất- kinh doanh, xuất nhập khẩu, cũng như tiêu thụ trong nước; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp... Những yếu tố trên sẽ tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP và hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch đề ra.

II. MỤC TIÊU

Mục tiêu của ngành năm 2021 là thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển đất nước, phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung thực hiện cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm chủ lực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có”. Các chỉ tiêu chính về tăng trưởng, phát triển ngành như tại Phụ lục I kèm theo.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển ngành

Kịp thời xây dựng, ban hành các chương trình hành động, kế hoạch công tác để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Xây dựng và hoàn thiện các Nghị định, Quyết định, Thông tư theo đúng Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2021. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, khả thi.

Hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường trong nông nghiệp. Tiếp tục phối hợp đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp, phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất trong lĩnh vực nông nghiệp. Tham gia xây dựng các Luật có liên quan và đẩy mạnh thể chế hóa trong lĩnh vực nông nghiệp để thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước; khơi thông nguồn lực cho phát triển thông qua đổi mới mạnh mẽ cơ chế huy động đa dạng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư vào ngành.

2. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, gắn kết chặt chẽ với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả, sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

[...]