Kế hoạch 916/KH-UBND năm 2020 thực hiện Quyết định 416/QĐ-TTg về kế hoạch thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới do tỉnh Lai Châu ban hành

Số hiệu 916/KH-UBND
Ngày ban hành 12/05/2020
Ngày có hiệu lực 12/05/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Tống Thanh Hải
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 916/KH-UBND

Lai Châu, ngày 12 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 416/QĐ-TTG NGÀY 25/3/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 37-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG HÀI HÒA, ỔN ĐỊNH VÀ TIẾN BỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Căn cứ Quyết định số 416/QĐ-TTg ngày 25/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới (gọi tắt là Quyết định số 416/QĐ-TTg); Chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 27/11/2019 của Tỉnh ủy Lai Châu về thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới (gọi tắt là Chương trình hành động số 37- CTr/TU). Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị số 37- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; xác định nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động; củng cố và nâng cao năng lực của tổ chức công đoàn trong hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh; hạn chế tranh chấp lao động, không để xảy ra đình công không đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra trên cơ sở đối thoại, thương lượng, đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, đúng quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị số 37-CT/TW; Quyết định số 416/QĐ-TTg; Chương trình hành động số 37-CTr/TU của Tỉnh ủy.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn thể doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa thành nhiệm vụ và các giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới tại đơn vị.

II. MỤC TIÊU

Phấn đấu đến năm 2025, hệ thống quan hệ lao động của tỉnh cơ bản được xây dựng đồng bộ và đi vào vận hành phù hợp với cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ lao động; tạo nền tảng duy trì và phát triển mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ cho những năm tiếp theo.

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn đinh và tiến bộ

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung thiết thực để nâng cao và thống nhất nhận thức của đơn vị sử dụng lao động, người lao động, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trong tỉnh về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết phải xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp đối với sự phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo việc làm cho người lao động và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện Chỉ thị Chỉ thị số 37-CT/TW; Quyết định số 416/QĐ-TTg; Chương trình hành động số 37-CTr/TU của Tỉnh ủy.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật các quy định của pháp luật về lao động, quan hệ lao động, công đoàn và các quy định khác có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của mỗi bên, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 719/QĐ-UBND ngày 12/7/2017 của UBND tỉnh Lai Châu về việc ban hành Chương trình phố biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Kế hoạch số 1919/KH-UBND ngày 18/10/2017 của UBND tỉnh về tiếp tục triển khai Đề án tuyên truyền, phổ pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017-2021; Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 06/3/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 28/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Kế hoạch số 1836/KH-UBND ngày 19/11/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

- Đổi mới mô hình, cách thức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho các doanh nghiệp; thu hút đông đảo người lao động, người sử dụng lao động quan tâm, thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về quan hệ lao động. Chú trọng phát huy hiệu quả của các phương tiện truyền thông trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, định hướng cho các phương tiện truyền thông phản ánh những việc làm tích cực trong quan hệ lao động; lên án những hành vi tiêu cực, nhằm vận động, tập hợp người lao động, người sử dụng lao lao động thực hiện tốt trong quan hệ lao động; kịp thời ngăn chặn, phản bác, xử lý các thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ lao động và làm mất an ninh chính trị, trật tư, an toàn xã hội.

- Quan tâm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong doanh nghiệp; kịp thời biểu dương, khen thưởng những doanh nghiệp, người lao động thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động

2.1. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lao động

- Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về quan hệ lao động từ tỉnh đến cơ sở theo đúng Kế hoạch số 122- KH/TU, ngày 22/01/2018 của Tỉnh ủy Lai Châu về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

- Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh, hòa giải viên cơ sở.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý tổ chức đại diện người lao động và quản lý, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động; nghiên cứu, tham mưu xây dựng phương án bố trí biên chế để thực hiện thí điểm mô hình giải quyết tranh chấp lao động với việc bố trí một số hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động chuyên trách vừa thực hiện giải quyết tranh chấp, vừa hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.

- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lao động các cấp, nhất là cấp huyện thông qua: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng; tổ chức các hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động quản lý nhà nước về lao động, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể; xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền tại các doanh nghiệp.

2.2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động

- Nâng cao năng lực hoạt động của thanh tra chuyên ngành về lao động cấp tỉnh; củng cố lực lượng thanh tra lao động phù hợp với thực tế số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, thanh tra đột xuất, chuyên đề về chấp hành các quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về công tác thanh tra, kiểm tra; tránh chồng chéo, trùng lặp gây khó khăn cho doanh nghiệp. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm liên quan đến lao động và quyền lợi hợp pháp của người lao động; yêu cầu người sử dụng lao động khắc phục những sai phạm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người sử dụng lao động theo đúng quy định của pháp luật.

[...]