Kế hoạch 1098/KH-UBND năm 2020 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới do tỉnh Bắc Giang ban hành

Số hiệu 1098/KH-UBND
Ngày ban hành 24/03/2020
Ngày có hiệu lực 24/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ánh Dương
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1098/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 24 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG HÀI HOÀ, ỔN ĐỊNH VÀ TIẾN BỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Kế hoạch số 90-KH/TU ngày 31/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Kế hoạch số 90-KH/TU ngày 31/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống người lao động, bảo đảm an ninh, trật tự, ổn định xã hội, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành những quy định của pháp luật lao động, góp phần từng bước xác lập và vận hành quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp.

2. Yêu cầu

- Xây dựng các giải pháp cụ thể để thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 90- KH/TU ngày 31/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

II. MỤC TIÊU

1. Phấn đấu đến hết năm 2020: Quan hệ lao động trong doanh nghiệp ổn định, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, có từ 75% doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn có tổ chức công đoàn; 80% công nhân lao động trong các doanh nghiệp gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam.

2. Phấn đấu đến năm 2025: Có trên 80% doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn có tổ chức công đoàn cơ sở, 85% công nhân lao động trong các doanh nghiệp gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam; có trên 75% doanh nghiệp thực hiện đăng ký nội quy lao động với cơ quan quản lý nhà nước, trên 90% doanh nghiệp thực hiện xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định. Từ nay đến 2025, hằng năm giảm từ 15 - 20% so với năm trước về số vụ tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể không đúng quy định của pháp luật.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị để nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ

1.1. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; phải xác định việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài để thực hiện cho được mục tiêu ổn định chính trị - xã hội, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo việc làm, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, góp phần bảo đảm hài hòa về quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động.

1.2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về pháp luật lao động, tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai thực hiện. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động; gắn việc tuyên truyền phổ biến pháp luật tại các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về kỹ năng đàm phán, thương lượng tập thể, đối thoại xã hội, giải quyết tranh chấp lao động trong doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động về trách nhiệm các bên trong xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

1.3. Thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người lao động; quan tâm giải quyết những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người lao động; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng xấu lôi kéo, kích động người lao động; phản bác lại các thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của doanh nghiệp, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động

2.1. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu và kịp thời đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những quy định về pháp luật lao động không còn phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tế, tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Tổ chức triển khai nghiêm túc các nội dung theo hướng dẫn của Trung ương về thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan.

2.2. Kịp thời củng cố, kiện toàn bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về lao động, đội ngũ hòa giải viên lao động, hội đồng trọng tài lao động để đáp ứng được nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động phải bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý tổ chức đại diện của người lao động và quản lý, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Thực hiện quản lý chặt chẽ tổ chức đại diện người lao động trong việc thành lập, hoạt động, bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực hòa giải tranh chấp cho lực lượng hòa giải viên lao động cấp huyện cũng như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người sử dụng lao động và cán bộ quản lý nhân sự về xây dựng quan hệ lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Liên đoàn lao động tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan.

2.3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, trong đó tập trung vào một số nội dung như: tuyển dụng, sử dụng lao động, chính sách tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng nội quy lao động trong doanh nghiệp, nhất là ở những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và thường xuyên xảy ra tranh chấp lao động. Thiết lập cơ chế cảnh báo sớm với doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm và kịp thời xử lý nghiêm những doanh nghiệp cố tình vi phạm quy định của pháp luật lao động, đặc biệt là doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Kịp thời đề xuất khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách pháp luật về lao động.

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan.

[...]