Kế hoạch 03/KH-UBND năm 2020 thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW và Kế hoạch 158-KH/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 03/KH-UBND
Ngày ban hành 07/01/2020
Ngày có hiệu lực 07/01/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 03/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 07 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 37-CT/TW NGÀY 03/9/2019 CỦA BAN BÍ THƯ KHÓA XII VÀ KẾ HOẠCH SỐ 158-KH/TU NGÀY 12/11/2019 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VĨNH PHÚC VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG HÀI HÒA, ỔN ĐỊNH, TIẾN BỘ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới (dưới đây gọi tắt là Chỉ thị số 37-CT/TW); Kế hoạch số 158-KH/TU ngày 12/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới (dưới đây gọi tắt là Kế hoạch số 158-KH/TU),

Trên cơ sở đề xuất của Sở Lao động-TB&XH tại Tờ trình số 169/TTr-SLĐTBXH ngày 20/12/2019, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai kịp thời, thống nhất, có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW và cụ thể hóa Kế hoạch số 158-KH/TU.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động; củng cố và nâng cao năng lực của tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ tay nghề, ý thức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh; giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể không đúng quy định của pháp luật lao động trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan trong nắm bắt, hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động. Phấn đấu tất cả các vụ tranh chấp lao động tập thể trên địa bàn được giải quyết kịp thời trên cơ sở đối thoại, thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động, đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi bên; tránh tạo ra điểm nóng về an ninh, trật tự.

2. Yêu cầu

Xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện; trách nhiệm thực hiện, trách nhiệm phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tổ chức thực hiện Kế hoạch, tạo sự chuyển biến tích cực, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng quan hệ Lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường lãnh đạo của chính quyền để nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ

- Xác định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành có liên quan trong công tác xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp.

- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung thiết thực để nâng cao và thống nhất nhận thức của đơn vị sử dụng lao động, người lao động, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết phải xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp đối với sự phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo việc làm cho người lao động và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII và Kế hoạch số 158-KH/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật các quy định của pháp luật về lao động, quan hệ lao động, công đoàn và các quy định khác có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của mỗi bên, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Tuyên truyền lồng ghép trong triển khai thực hiện Kế hoạch số 6415/KH-UBND ngày 15/9/2016 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình về An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020 và quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có liên quan của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố; Kế hoạch số 8536/KH-UBND ngày 27/10/2017 của UBND tỉnh về tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2017-2021; Kế hoạch số 9211/KH-UBND ngày 21/11/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình hành động ngày 08/10/2018 của Chính phủ và Chương trình hành động số 62-CTr/TU ngày 31/8/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Kế hoạch số 8709/KH-UBND ngày 02/11/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 61-CTr/TU ngày 29/8/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của BCH TW khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

- Khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, BHXH, công đoàn và các pháp luật khác cho người lao động tại doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu tiếp cận, cập nhật quy định pháp luật của người lao động và doanh nghiệp.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động

2.1. Triển khai kịp thời các văn bản, chính sách mới hoặc sửa đổi, bổ sung về quan hệ lao động

- Triển khai kịp thời Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tập trung hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng mới hoặc rà soát, sửa đổi, bổ sung Nội quy lao động, thang lương, bảng lương phù hợp với các quy định của Bộ luật Lao động 2019, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong công tác quản lý lao động, điều hành sản xuất, kinh doanh.

- Căn cứ tình hình thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh, tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động tại các làng nghề, hộ kinh doanh cá thể tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về tầm quan trọng, cần thiết đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thi hành pháp luật về lao động để đề xuất hoàn thiện pháp luật, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong thực tế.

2.2. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lao động

- Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về quan hệ lao động từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Sở Lao động-TB&XH bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý tổ chức đại diện người lao động và quản lý, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động để: Tham mưu giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến thành lập, hoạt động, giải thể tổ chức đại diện người lao động trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, thống kê, cập nhật tình hình hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động, các vụ tranh chấp lao động cá nhân, tập thể; các vụ ngừng việc tập thể, đình công trên địa bàn. Cập nhật thông tin dữ liệu các vụ tranh chấp lao động, đình công do Tòa án thụ lý giải quyết....

- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lao động các cấp, nhất là cấp huyện thông qua: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng; Tổ chức các hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động quản lý nhà nước về lao động, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể; Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền tại các doanh nghiệp.

2.3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động

- Nâng cao năng lực hoạt động của Thanh tra chuyên ngành lao động cấp tỉnh; củng cố, tăng cường về số lượng, chất lượng đội ngũ thanh tra nhà nước cấp huyện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

[...]