Kế hoạch 88/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 23/NQ-CP về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 88/KH-UBND
Ngày ban hành 22/04/2022
Ngày có hiệu lực 22/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hồ Tiến Thiệu
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 22 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23/NQ-CP NGÀY 02/3/2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ KHU VỰC BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 02/3/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, triển khai đồng bộ các nội dung và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 02/3/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền, nhằm phát triển đồng bộ, toàn diện kinh tế - xã hội khu vực biên giới của tỉnh (bao gồm 05 huyện, 21 xã, thị trấn biên giới), thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các xã, huyện và thành phố; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

2. Yêu cầu

Tổ chức thực hiện Kế hoạch có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, nhất là các huyện biên giới cần xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong triển khai, thực hiện. Đẩy mạnh công tác phối hợp đồng bộ, thường xuyên, linh hoạt giữa các ngành, các cấp. Gắn việc tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Kế hoạch này với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu

- Phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực biên giới của tỉnh gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp chênh lệch giữa các huyện, xã trên địa bàn tỉnh; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống, tinh thần và sức khỏe của Nhân dân.

- Tập trung triển khai, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các khu vực biên giới toàn diện, đồng bộ, liên thông, quan tâm đầu tư các tuyến đường giao thông ra biên giới và kết nối hệ thống các cửa khẩu. Phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, khác biệt của khu vực biên giới để phát triển các lĩnh vực kinh tế, nhất là du lịch, thương mại biên giới, thu hút đầu tư, tổ chức lại sản xuất phù hợp, hiệu quả. Thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số để phục vụ cho việc phát triển các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội cho người dân khu vực biên giới.

- Phát triển toàn diện y tế, giáo dục và đào tạo, gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp, tinh thần tự lực, ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và nguồn lực nội sinh của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới của tỉnh. Sắp xếp đồng bộ dân cư, giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn ở khu vực biên giới.

- Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, chính quyền; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh vùng biên giới; đoàn kết, hợp tác, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.

2. Nhiệm vụ trọng tâm

- Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới;

- Huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút nguồn lực phát triển kinh tế khu vực biên giới;

- Phát triển kết cấu hạ tầng khu vực biên giới;

- Phát triển sản xuất khu vực biên giới;

- Thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực biên giới.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 90-CTr/TU, ngày 26/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 433/KH-UBND ngày 31/10/2018 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-CP, ngày 17/8/2018 của Chính phủ và Chương trình hành động số 90-CTr/TU, ngày 26/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ và cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đối với các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực biên giới của tỉnh.

- Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối từ vùng kinh tế phát triển tới vùng khó khăn. Phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu cơ chế lồng ghép nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và các nguồn vốn khác; tập trung bố trí vốn đầu tư cho các dự án cấp thiết, có tính chất liên kết vùng, có tính lan tỏa tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.

- Nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, vốn viện trợ và vốn vay ưu đãi cho các dự án xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, logistics, công nghiệp, du lịch, đô thị… tại khu vực biên giới.

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét việc mở rộng các hành lang kinh tế xuyên quốc gia đến các địa phương có biên giới đường bộ chưa nằm trên các hành lang kinh tế hiện hữu, bao gồm cả tạo lập hành lang kinh tế mới nhằm thúc đẩy sự phát triển, kết nối các khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm với nhau và với các khu vực phát triển khác như cảng biển, đô thị lớn để tích hợp vào quy hoạch tổng thể của tỉnh, vùng, quốc gia.

[...]