Kế hoạch 88/KH-UBND năm 2022 triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Số hiệu 88/KH-UBND
Ngày ban hành 15/12/2022
Ngày có hiệu lực 15/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Lê Văn Hẳn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/KH-UBND

Trà Vinh, ngày 15 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NHẬN THỨC, PHỔ CẬP KỸ NĂNG VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

Thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi là Đề án), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (sau đây gọi chung là các cơ quan, đơn vị) để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số.

- Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; hình thành mạng lưới chuyển đổi số từ tỉnh đến cấp xã với đội ngũ thành viên thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu cơ bản đến năm 2025

- 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước được cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số và công nghệ số.

- 100% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số và công nghệ số.

- 100% cán bộ phụ trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin được bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số.

- 70% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.

- 50% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

b) Mục tiêu đến năm 2030

- 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.

- 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

3. Yêu cầu

a) Cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo thống nhất trong lãnh đạo, điều hành và phối hợp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

b) Các cơ quan, đơn vị xác định nhiệm vụ cụ thể của từng cá nhân, tổ chức thuộc cơ quan, đơn vị và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện. Phấn đấu thực hiện hoàn thành đạt và vượt mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho đội ngũ quản lý, đội ngũ phụ trách triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước.

2. Truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của Đề án, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong thực hiện chuyển đổi số và các nội dung của Đề án.

3. Ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai Đề án thuộc phạm vi trách nhiệm được giao của địa phương, huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội và các nguồn kinh phí khác cho hoạt động nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số (nếu có).

4. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế bố trí từ kinh phí của mình để đào tạo chuyển đổi số cho người lao động thuộc doanh nghiệp, tổ chức.

5. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng ưu tiên bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của cơ sở để triển khai đào tạo, nghiên cứu phát triển về chuyển đổi số, công nghệ số.

III. NHIỆM VỤ

[...]