Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 87/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình "Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 87/KH-UBND
Ngày ban hành 19/05/2023
Ngày có hiệu lực 19/05/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 19 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG THƯ VIỆN, BẢO TÀNG, TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” (sau đây gọi là Chương trình); theo đề nghị của Sở Văn hoá và Thể thao tại Tờ trình số 83/TTr-SVHTT ngày 09/5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa. Tạo điều kiện để người dân có cơ hội tiếp cận hệ thống tri thức mở, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người dân về vị trí, vai trò của việc học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động, thu hút người dân hình thành thói quen học tập suốt đời trong các thiết chế văn hóa thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

2. Yêu cầu

- Quán triệt sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về chủ trương xây dựng việc tổ chức các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc triển khai thực hiện các hoạt động học tập suốt đời phải được tiến hành đồng bộ, thiết thực, hiệu quả đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

- Thực hiện đầy đủ nội dung kế hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thường xuyên kiểm tra, đánh giá hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa theo quy định.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục đổi mới hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số tạo điều kiện để người dân có cơ hội tiếp cận thông tin tri thức, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập theo nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đối với hệ thống thư viện

- Phấn đấu đến năm 2025: thư viện cấp tỉnh, 70% thư viện cấp huyện, 40% thư viện cấp xã, 90% thư viện trường đại học, 80% thư viện lực lượng vũ trang, 70% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có cung cấp dịch vụ phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện. Đến năm 2030, đạt 100%, 90%, 60%, 100%, 100% và 90% các chỉ tiêu tương ứng.

- Phấn đấu đến năm 2025: thư viện cấp tỉnh, 60% thư viện cấp huyện, 20% thư viện cấp xã, 90% thư viện trường đại học, 80% thư viện lực lượng vũ trang, 70% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức hoạt động phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện. Đến năm 2030, đạt 100%, 70%, 30%, 100%, 100% và 80% các chỉ tiêu tương ứng.

- Phấn đấu đến năm 2025: số lượt người sử dụng thư viện phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao hiểu biết tăng bình quân 5% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 12% mỗi năm.

b) Đối với hệ thống bảo tàng

- Đến năm 2025 phấn đấu đạt 70% và đến năm 2030 phấn đấu đạt 100% bảo tàng xây dựng và triển khai chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa cho người dân các thiết chế trong bảo tàng, trong đó chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên và ứng dụng giới thiệu trưng bày các chuyên đề trên không gian số.

- Đến năm 2025 phấn đấu số lượt khách tham quan chọn bảo tàng để nghiên cứu, học tập tăng bình quân 5% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 8 - 10% mỗi năm.

c) Đối với hệ thống trung tâm văn hóa các cấp

- Đến năm 2025 phấn đấu đạt 80% và đến năm 2030 phấn đấu đạt 100% trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện, thành phố tổ chức, hỗ trợ nhu cầu hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao phù hợp với từng nhóm lứa tuổi, sở thích.

- Đến năm 2025 phấn đấu đạt 70% và đến năm 2030 phấn đấu đạt 100% trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn có lớp năng khiếu, câu lạc bộ, nhóm sở thích, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt phục vụ việc đẩy mạnh học tập suốt đời.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa của người dân, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ của thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa trong tuyên truyền, chú trọng các hình thức tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trên các nền tảng số.

b) Tổ chức có hiệu quả các hoạt động học tập suốt đời gắn với Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày sách và Bản quyền thế giới (23/4), Ngày Quốc tế bảo tàng (18/5), Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” và các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương.

[...]