Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 288/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 288/KH-UBND
Ngày ban hành 25/08/2023
Ngày có hiệu lực 25/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 288/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 25 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG THƯ VIỆN, BẢO TÀNG, TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030 ” (sau đây được viết tắt là Chương trình); Quyết định số 1346/QĐ-BVHTTDL ngày 26 tháng 5 năm 2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây được viết tắt là Kế hoạch) cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ chính theo Chương trình của Chính phủ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

- Đổi mới và đa dạng các hoạt động phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số tạo điều kiện để người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt với nhiều mô hình, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập cho mọi người dân; xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trên toàn tỉnh.

- Làm căn cứ để các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng lộ trình, triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình.

2. Yêu cầu

- Bám sát mục tiêu và các nhiệm vụ mà Chính phủ đã đề ra, thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phù hợp với thực tế của địa phương.

- Gắn việc đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa với triển khai các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có liên quan với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức khác trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của mỗi cơ quan, đơn vị; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của các cơ quan, đơn vị có liên quan chung tay.

II. MỤC TIÊU

1. Đối với hệ thống thư viện

- Đến năm 2025, đạt 100% thư viện công cộng cấp tỉnh, 70% thư viện công cộng cấp huyện, 40% thư viện công cộng cấp xã, 90% thư viện trường đại học, thư viện chuyên ngành, 80% thư viện lực lượng vũ trang, 70% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có cung cấp dịch vụ phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện. Đến năm 2030, đạt 100%, 90%, 60%, 100%, 100% và 90% các chỉ tiêu tương ứng.

- Đến năm 2025, số lượt người sử dụng thư viện phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao hiểu biết tăng bình quân 10% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 15% mỗi năm.

2. Đối với hệ thống bảo tàng

- Đến năm 2025, phấn đấu đạt 70% và đến năm 2030, phấn đấu đạt 100% bảo tàng xây dựng và triển khai chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật cho mọi người dân, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp và ứng dụng giới thiệu trưng bày các chuyên đề trên không gian số.

- Đến năm 2025, phấn đấu số lượt khách tham quan chọn bảo tàng để nghiên cứu, học tập tăng bình quân 10% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 15% mỗi năm.

3. Đối với hệ thống trung tâm văn hóa các cấp

- Đến năm 2025, phấn đấu đạt 80% và đến năm 2030, đạt 100% trung tâm văn hóa cấp tỉnh và trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện tổ chức, hỗ trợ nhu cầu hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch phù hợp với từng nhóm lứa tuổi, sở thích.

- Đến năm 2025, đạt 70% và đến năm 2030, đạt 100% trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã và nhà văn hóa, khu thể thao thôn có lớp năng khiếu, câu lạc bộ, nhóm sở thích, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt phục vụ việc đẩy mạnh học tập suốt đời.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Xây dựng chính sách và cơ chế đầu tư học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chung của tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại địa phương.

- Đề xuất xây dựng các chính sách đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn đổi mới hoạt động phục vụ học tập suốt đời, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo điều kiện để người dân tự học tập trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

- Thực hiện hiệu quả các Đề án, Kế hoạch, Chương trình liên quan đến thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa để phối hợp, hỗ trợ thực hiện thành công mục tiêu Kế hoạch.

2. Thực hiện công tác tuyên truyền phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa

[...]