Kế hoạch 87/KH-UBND năm 2014 triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 87/KH-UBND
Ngày ban hành 29/04/2014
Ngày có hiệu lực 29/04/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Văn Sửu
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/KH-UBND

Hà Nội, ngày 29 tháng 04 năm 2014

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 19/NQ-CP NGÀY 18/3/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA

Thời gian vừa qua, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá, an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ, y tế tiếp tục được chú trọng; công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường được tăng cường; nông nghiệp và hạ tầng nông thôn được đầu tư phát triển. Tuy nhiên, thời gian tới Thành phố tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm hơn dự báo, sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao; tăng trưởng xuất khẩu đạt thấp...

Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Căn cứ Chương trình số 03-CTr/TU ngày 09/9/2011 của Thành ủy về "Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững"; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch hành động nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố, tập trung vào những nội dung sau:

I. Mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố

- Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế nhằm tăng cường thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh của mọi thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố. Trong đó ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại; các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao...

- Tạo môi trường hấp dẫn, thuận tiện, thân thiện cho doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như nguồn vốn, lao động, đất đai, khoa học công nghệ... Kịp thời có các biện pháp giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn thành công và lâu dài tại Thủ đô. Chú trọng về quyền sở hữu tài sản, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, các quy định về phá sản, giải thể, cạnh tranh...

- Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo động lực quan trọng để thúc đẩy thu hút nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển và thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

- Nâng cao lực cạnh tranh của Thành phố, phấn đấu đến năm 2015 Hà Nội là một trong những địa phương có chất lượng điều hành tốt.

II. Nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2014-2015

Trong giai đoạn 2014-2015 tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu trong công tác chỉ đạo điều hành:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm, tạo sự thống nhất ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt thường xuyên, liên tục trong công tác chỉ đạo điều hành của tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố.

2. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; tập trung tại vào 8 nhóm liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp: thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan, quy hoạch, đất đai, xây dựng, điện, tín dụng. Cụ thể:

- Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp, cải thiện các khâu liên quan khác nhằm rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của doanh nghiệp. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp. Hoàn thiện quy định về quyền sở hữu và bảo vệ nhà đầu tư vào Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng tăng cường bảo vệ quyền sở hữu, nhà đầu tư, cổ đông thiểu số theo chuẩn mực quốc tế;

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, hồ sơ nộp thuế nhằm rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước;

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, kho bạc một cách toàn diện, hiện đại; triển khai hiệu quả mô hình một cửa liên thông, tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong thực hiện thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực này để tạo chuyển biến mạnh mẽ ngay từ năm 2014;

- Đơn giản hóa quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan và giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp;

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ về tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp.

- Hoàn thiện các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc; đẩy mạnh công tác thiết kế đô thị; các quy hoạch phân khu, các quy hoạch chung xây dựng huyện, thị trấn, thị trấn sinh thái, đô thị vệ tinh; các quy hoạch chi tiết.

- Rút thời gian tiếp cận điện năng đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư.

- Hướng dẫn công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng, bảo đảm cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác cấp giấy phép xây dựng. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 02/01/2014 về "Năm trật tự và văn minh đô thị" 2014.

3. Đẩy mạnh việc công khai, minh bạch hóa thông tin cho doanh nghiệp

- Công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp, tập trung trên các lĩnh vực quản lý xây dựng, đất đai, cấp giấy phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế, phí và lệ phí, hải quan. Công bố, công khai minh bạch bằng nhiều hình thức (trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản có quy định về thủ tục hành chính và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính, niêm yết trực tiếp tại trụ sở cơ quan trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính...) về quy trình thủ tục, thành phần hồ sơ, các loại biểu mẫu, hướng dẫn chi tiết để hoàn thiện mẫu thủ tục hành chính, quy định thời gian giải quyết, các mức phí, lệ phí theo quy định để người dân và doanh nghiệp dễ hiểu và dễ thực hiện.

- Tăng tính hữu ích của website Hanoiportal và website của các sở, ngành trong công khai minh bạch các loại thông tin, tài liệu: ngân sách, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố, các kế hoạch về các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới, các dự án đầu tư, các bản đồ và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, các chính sách ưu đãi đầu tư của Thành phố, các mẫu biểu thủ tục hành chính, thông tin về các thay đổi của các quy định về thuế, dữ liệu các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Mỗi website đều phải duy trì tốt phần liên hệ để công dân, doanh nghiệp gửi thư và nhận được thông tin trả lời.

- Công bố rộng rãi, đầy đủ và kịp thời, cập nhật: Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Quy hoạch sử dụng đất 2011-2020... và các loại quy hoạch ngành có liên quan quy hoạch xây dựng ngay sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, qua đó cải thiện rõ rệt tính minh bạch và khả năng tiếp cận các thông tin quan trọng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

4. Tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, phù hợp với những cam kết quốc tế; tập trung chủ yếu vào các giải pháp hỗ trợ gián tiếp nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tạo động lực phát triển doanh nghiệp.

- Thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch trong quí III/2014. Nâng cao chất lượng hoạt động, phấn đấu đưa Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành một Trung tâm hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp có uy tín trên địa bàn Thành phố.

- Phối hợp với Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội, tổ chức (VCCI, AmCham, EuroCham...) tăng cường, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh và thương hiệu Hà Nội trên thế giới. Tiếp tục xây dựng và công bố công khai danh mục các dự án cụ thể kêu gọi đầu tư với đầy đủ các thông tin (địa điểm, diện tích đất, cơ chế ưu đãi...). Định kỳ hàng quí cung cấp thông tin về các cơ chế, chính sách, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư... cho đại sứ quán các nước tại Việt Nam để nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận. Tạo điều kiện thuận lợi để các công ty, các tập đoàn xuyên quốc gia thành lập Văn phòng đại diện và đầu tư tại Hà Nội.

[...]